Theo số liệu trong năm 2011, Ấn Độ có 780 triệu người biết đọc biết viết, chiếm 74% dân số. Nhưng ước tính từ PlanetRead, tổ chức phi chính phủ tại Ấn Độ, lại cho thấy nước này có ít nhất 400 triệu người mù chữ, hầu hết tập trung ở vùng nông thôn, họ không thể đọc được chữ đơn giản thường ngày.
Rangoli là chương trình âm nhạc có chiếu phụ đề tại Gujarat, Ấn Độ. |
Cô Yashoda Lakshman Keni sống tại ngôi làng Kalambusre ở bang Maharashtra đã có thể lên xe buýt để đến thăm họ hàng ở gần đó mặc dù 3 năm trước, cô đã không thể làm việc đơn giản như vậy. Khi đó cô Keni không thể đọc chữ trên các biển chỉ dẫn.
Giống như nhiều phụ nữ khác trong làng, Keni không bao giờ đến trường. Một vài năm trước, người phụ nữ 42 tuổi này đã dự lớp xóa mù chữ và tiếp nhận những kiến thức cơ bản về chữ cái, con số bằng tiếng Marathi. Trước đó, cô không thể làm được nhiều việc gì khác ngoài đọc các chữ cái đơn giản trên báo, nhưng hiện giờ cô có thể đọc biển chỉ dẫn xe buýt.
Vậy bước tiến bộ ấn tượng của Keni đến từ đâu? Ngạc nhiên là điều này bắt nguồn từ việc xem nhiều chương trình truyền hình.
Cô Keni đã theo dõi các chương trình có phụ đề tạo điều kiện để người xem có thể học từ ngữ cùng thời điểm với lời nói của nhân vật trên truyền hình. Đài BBC (Anh) đánh giá đây có thể là phương pháp để các nước khác học hỏi chống lại nạn mù chữ.
Một điều đặc biệt khác là có tới 780 triệu người Ấn Độ trung bình xem TV 3 tiếng mỗi ngày. Giống như đại bộ phận này, cô Keni dành nhiều thời gian xem các bộ phim tiếng Marathi trên kênh Zee Talkies. Cô thích thú đọc theo dòng chữ hiện lên khi có các bài hát. Và điều này đã cải thiện khả năng của Keni. Cô nói: "Nó giúp tôi nhận ra những từ phức tạp".
Tại Vadod, một ngôi làng thuộc bang Gujarat, cô Chhayaben Sondha (22 tuổi) chỉ có thể nói tiếng địa phương là Gujarati, sau đó cô bắt đầu theo dõi Rangoli, chương trình có các bài hát Bollywood nổi tiếng bằng tiếng Hindi.
Rangoli được phát sóng trên toàn quốc và trao cho Sondha cơ hội để luyện tập tiếng Hindi. "Đọc lời bài hát giúp tôi hiểu cách sử dụng nguyên âm trong tiếng Hindi", cô nói. Hiện giờ cô Sondha đã có thể điền được đơn mở tài khoản ngân hàng.
Đối với 400 triệu người mù chữ tại Ấn Độ, truyền hình đã trở thành công cụ giáo dục.
Người dân tại Gujarat vừa nghe hát vừa có thể đọc phụ đề. |
Cũng như nhiều quốc gia khác, Ấn Độ nhận thức được việc xóa mù chữ mang vai trò quan trọng tạo động lực cho thành công của nền kinh tế. Tại Ấn Độ, nhiều người dân không thể dạy con cái họ làm bài tập về nhà, đọc đơn kê thuốc của bác sĩ, đọc báo hoặc hiểu được chương trình phúc lợi của chính phủ bởi họ không biết chữ.
Từ đây, tổ chức PlanetRead đã có một ý tưởng là bổ sung phụ đề vào những bài hát trong phim truyền hình. Người xem sẽ nhìn thấy dòng chữ cùng lúc họ nghe chương trình truyền hình. Và hầu hết các bài hát trong phim Ấn Độ đều có lời lặp lại do vậy khán giả có cơ hội để quan sát những chữ cái xuất hiện lại nhiều lần.
Theo một nghiên cứu của Đại học Nottingham (Anh), nếu phụ đề xuất hiện trên các chương trình truyền hình thì người xem sẽ chú ý và đọc chúng. Trong nghiên cứu năm 2013 về kỹ năng đọc hiểu của học sinh cấp hai tại Kaneohe, Hawaii (Mỹ), những em được tiếp cận với phụ đề phim thường đạt điểm cao hơn trong bài kiểm tra.
Từ năm 1996, ông Brij Kothari, người thành lập PlanetRead, đã đi tới các ngôi làng và khu ổ chuột tại bang Gujarat, chiếu những bài hát có hoặc không có phụ đề để tìm hiểu người dân sẽ ưa thích phương án nào hơn. “Chúng tôi rất ngạc nhiên với số lượng người thích các bài hát có phụ đề. Do vậy chúng tôi nghĩ rằng vật cản lớn nhất giờ đã không còn”, ông Kothari kể lại.
Vào năm 2002, phụ đề đã được bổ sung vào những chương trình hàng tuần kéo dài 30 phút có phát bài hát Bollywood. Một số chương trình này được chiếu 10 lần/tuần.
Ông Kothari sau đó đăng nghiên cứu lên tạp chí International Review of Education cho biết: “Trong những người xem chương trình phụ đề, tỷ lệ người đọc được báo đã tăng từ 43% lên tới gần 70%”. Theo đó, những người kỹ năng đọc kém được xem 30 phút chương trình có phụ đề sẽ tăng khả năng đọc báo trong 3-5 năm.
Thêm vào đó, phương pháp này không tốn kém. Việc nhập phụ đề vào 50 chương trình chiếu hàng tuần trên truyền hình tốn khoảng 1 triệu USD mỗi năm với 22 ngôn ngữ chính thức tại Ấn Độ.
Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến không mấy mặn mà với phương pháp này. Một số người nghi ngờ rằng nếu bài hát có tiết tấu nhanh và phụ đề thay đổi liên tục thì những người đọc kém sẽ thường lựa chọn phớt lờ phụ đề.
Nhiều người cho rằng các bài hát của Bollywood thường mang ít giá trị giáo dục. Thêm vào đó sự vi phạm bản quyền cũng là vấn đề được các công ty truyền thông tư nhân đề cập. Tuy nhiên, đến nay PlanetRead chưa gặp bất cứ vấn đề nào họ có thể bỏ qua những bộ phim và bài hát trong trường hợp có phản đối về tác quyền.