Binh sĩ MINUSMA tuần tra tại thành phố Kidal. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, Hamadou Ag Khallini, một thủ lĩnh của Ansar Dine, thừa nhận nhóm này đã tấn công vào một cơ sở của Liên hợp quốc tại Kidal nhằm đáp trả cái gọi là "đất đai của người Hồi giáo bị xâm phạm". Nhóm Ansar Dine có liên hệ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda tại (AQIM) và Mặt trận Giải phóng Macina - một nhóm đã nhận gây ra vụ tấn công đẫm máu tại khách sạn Radisson Blu ở Mali vào ngày 20/11 vừa qua.
Trước đó cùng ngày, hai nhân viên gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (LHQ) người Guinea và một nhà thầu người Burkina Faso đã thiệt mạng và hơn 20 người bị thương trong một
vụ tấn công bằng rocket nhằm vào một căn cứ của LHQ tại thành phố Kidal, đông bắc Mali. Người đứng đầu MINUSMA Mongi Hamdi tuyên bố các vụ tấn công sẽ không làm giảm quyết tâm của LHQ trong việc hỗ trợ người dân Mali cũng như tiến trình hòa bình, bao gồm việc hỗ trợ thực thi thỏa thuận hòa bình và hòa giải tại Mali.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã lên án vụ tấn công đẫm máu nhằm vào MINUSMA. Tuyên bố của ông nêu rõ MINUSMA đã khẩn trương hỗ trợ người bị thương và tiếp tục tăng cường đảm bảo an toàn và an ninh cho các nhân viên. Tổng thư ký cũng gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân, chính phủ Burkina Faso và Guinea.
Trong khi đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã hối thúc chính phủ Mali nhanh chóng điều tra vụ tấn công và đưa thủ phạm ra trước công lý. HĐBA LHQ nhấn mạnh các vụ tấn công nhằm vào lực lượng gìn giữa hòa bình có thể coi là tội ác chiến tranh theo luật quốc tế.
Ngày 28/10 vừa qua, quân đội Mali đã phát động chiến dịch chống khủng bố quy mô lớn ở miền trung nước này. Chiến dịch có tên Sano (Cát), dự kiến kéo dài 3 tháng. Bộ Quốc phòng Mali cho biết đây là một chiến dịch quân sự quan trọng nhằm tiêu diệt các nhóm khủng bố đang hoạt động tại miền trung. Trước đây, các vụ tấn công của phiến quân thường tập trung ở miền bắc, nhưng từ đầu năm nay chúng đã bành trướng hoạt động sang miền trung rồi lan xuống miền nam, khu vực biên giới với Côte d’Ivoire và Burkina Faso.
Mali chìm trong hỗn loạn sau cuộc đảo chính quân sự tháng 3/2012 khiến miền bắc nước này trở thành sào huyệt của phiến quân Tuareg, vốn là nhánh khủng bố al-Qaeda ở Bắc Phi (AQIM). Quân đội Pháp và các nước châu Phi đã phải can thiệp quân sự từ tháng 1/2013. Mặc dù thỏa thuận hòa bình được ký kết vào tháng 6 giữa chính phủ Mali và nhóm phiến quân Hồi giáo Tuareg, nhưng một khu vực rộng lớn của quốc gia Tây Phi này vẫn nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ và các lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ tại đây.