Theo tuyên bố chung do Bộ Ngoại giao Ấn Độ đăng tải, các nhà lãnh đạo nhóm họp để tái khẳng định cam kết về hợp tác 4 bên. Bốn quốc gia trong nhóm mang đến những quan điểm đa dạng và thống nhất trong một tầm nhìn chung vì khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Các bên sẽ nỗ lực vì một khu vực tự do, rộng mở, bao trùm, lành mạnh, dựa trên "các giá trị dân chủ và không bị hạn chế bởi sự cưỡng ép".
Tuyên bố nhấn mạnh 4 bên cam kết thúc đẩy một trật tự tự do, rộng mở, dựa trên luật lệ và bắt nguồn từ luật pháp quốc tế để thúc đẩy an ninh, thịnh vượng cũng như chống lại các mối đe dọa ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các khu vực khác; ủng hộ pháp quyền, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp; cam kết làm việc cùng nhau và với nhiều đối tác; tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Bộ Tứ đối với sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN cũng như Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tuyên bố đồng thời khẳng định, Bộ Tứ sẽ tiếp tục ưu tiên vai trò của luật pháp quốc tế trong lĩnh vực hàng hải, đặc biệt như được phản ánh trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), và thúc đẩy hợp tác, bao gồm cả trong lĩnh vực an ninh hàng hải, nhằm giải quyết các thách thức đối với trật tự hàng hải dựa trên luật lệ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Các nhà lãnh đạo cũng nhắc lại cam kết về việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, khẳng định sự cần thiết của việc lập tức giải quyết vấn đề người Nhật Bản bị bắt cóc.
Các bên cũng cam kết sẽ ứng phó với các tác động của đại dịch COVID-19 trong lĩnh vực kinh tế và y tế. Lãnh đạo của nhóm Bộ Tứ khẳng định sẽ hợp lực để mở rộng việc sản xuất vaccine an toàn, giá rẻ, hiệu quả và nâng cao khả năng tiếp cận công bằng, nhằm đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế và mang lại lợi ích cho nền y tế toàn cầu.
Cụ thể, các quốc gia thành viên nhóm Bộ Tứ sẽ hợp tác để tăng cường khả năng tiếp cận vaccine công bằng cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, dựa trên việc phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đa phương như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và sáng kiến COVAX; kêu gọi thực hiện các cải cách mang tính minh bạch và hướng tới kết quả tại WHO.
Để thúc đẩy những mục tiêu này và những mục tiêu khác, các bên sẽ tăng cường cam kết về sự can dự của nhóm Bộ Tứ; sẽ kết hợp các năng lực y tế, khoa học, tài chính, sản xuất và phân phối và phát triển của các quốc gia, cũng như thành lập một nhóm chuyên gia làm việc về vaccine để thực hiện cam kết mang tính đột phá về phân phối vaccine an toàn và hiệu quả. Các nhà lãnh đạo Bộ Tứ nhất trí kết hợp các khả năng tài chính, sản xuất và phân phối để cung cấp 1 tỷ liều vaccine COVID-19 tại châu Á trước cuối năm 2022
Tuyên bố cho biết thêm các bên thống nhất nhận thức rằng biến đổi khí hậu là một ưu tiên toàn cầu và sẽ nỗ lực để tăng cường hành động của tất cả các quốc gia về khí hậu. Các bên khẳng định sẽ bắt đầu hợp tác về các công nghệ quan trọng của tương lai để đảm bảo rằng sự đổi mới sáng tạo phù hợp với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, bao trùm và có khả năng phục hồi.
Tuyên bố lưu ý các chuyên gia và quan chức cấp cao của nhóm Bộ Tứ sẽ tiếp tục nhóm họp định kỳ, trong khi các Ngoại trưởng của 4 nước cũng sẽ trao đổi thường xuyên và họp ít nhất một lần một năm. Ở cấp lãnh đạo, các nước Bộ Tứ sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tiếp vào cuối năm 2021.