Các nước nhóm "Bộ tứ" gồm Australia, Nhật Bản, Ấn Độ và Mỹ đã nhất trí về một kế hoạch cung cấp 1 tỷ liều vaccine phòng COVID-19 trên khắp châu Á đến cuối năm 2022. Kế hoạch này bị ngưng trệ sau khi Ấn Độ, nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, cấm xuất khẩu mặt hàng này vào tháng 4 trong bối cảnh bùng phát dịch COVID-19 trong nước.
Phát biểu trước thềm hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các đối tác vào tuần tới, Giám đốc Kagan lưu ý rằng Ấn Độ đã nhất trí xuất khẩu 8 triệu liều vaccine đầu tiên theo dự án này ngay trong tháng 10 năm nay. Tại một sự kiện do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tổ chức, ông nêu rõ việc tuân thủ sáng kiến vaccine của nhóm "Bộ tứ" có ý nghĩa quan trọng đối với sự tín nhiệm dành cho nhóm này.
* Trong khi đó, nhật báo The Australia Guardian ngày 21/10 cho biết số liều vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca chưa sử dụng ở Australia đã tăng lên hơn 7 triệu. Phóng viên TTXVN tại Sydney dẫn phân tích dữ liệu của báo trên cho hay khoảng 7,3 triệu liều của hãng AstraZeneca đã được xuất xưởng ở Australia, nhưng vẫn chưa được tiêm hoặc dành cho viện trợ nước ngoài.
Sản xuất vaccine tại Australia tăng đáng kể trong những tháng gần đây, tăng từ 2,5 triệu trong tháng 7 lên 4 triệu vào tháng 8, 3,9 triệu vào tháng 9 và ít nhất 2,5 triệu liều tính đến nay trong tháng 10. Trong khi đó, việc sử dụng vaccine đã giảm dần khi có thêm nhiều nguồn cung vaccine của hãng Pfizer/BioNTech. Số liều vaccine của AstraZeneca được tiêm đã giảm từ 3 triệu liều trong tháng 8 xuống còn 2 triệu liều vào tháng 9 và 662.000 liều cho đến nay trong tháng 10.
Nguồn cung vaccine của AstraZeneca dồi dào hiện đang gây lo ngại rằng loại vaccine này sẽ bị lãng phí. Bộ Y tế Australia cho biết tỷ lệ hao hụt vaccine được quy định ở mức 2%.
Cho đến nay, Australia đã chia sẻ khoảng 3,7 triệu liều vaccine cho 12 quốc gia.
*Tại Mỹ, chính quyền thành phố New York đã yêu cầu tất cả cảnh sát phải tiêm vaccine phòng COVID-19 trong bối một bộ phận trong lực lượng cảnh sát nước này từ chối tiêm chủng.
Quy định tiêm vaccine bắt buộc này cũng có hiệu lực đối với thành viên trong lực lượng cứu hỏa, nhân viên quản giáo và lao công. Biện pháp này được đưa ra khi một bộ phận trong lực lượng cảnh sát tại Chicago và Los Angeles phản đối quy định tiêm vaccine bắt buộc. Trong một thông báo, Thị trưởng New York Bill de Blasio nêu rõ kể từ ngày 1/11, tất cả công chức thành phố buộc phải có chứng nhận tiêm ít nhất một liều vaccine và những trường hợp từ chối tiêm chủng có thể sẽ bị sa thải.
Thống kê cho thấy mới 71% trong tổng số 55.000 cảnh sát của Sở Cảnh sát New York đã tiêm vaccine, thấp hơn so với tỷ lệ trung bình 84% của toàn thành phố.
Riêng nhân viên quản giáo sẽ thực hiện quy định này kể từ tháng 12 do vấn đề về nhân lực tại nhà tù ở Rikers Island. Thị trưởng de Blasio nói thêm những công chức không tiêm vaccine sẽ nghỉ việc không lương cho đến khi họ tiêm chủng và chứng nhận xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính không được chấp nhận. Các trường hợp vì lý do sức khỏe và tôn giáo sẽ được miễn trừ thực hiện quy định trên.
Theo thống kê, có khoảng 237 cảnh sát Mỹ đã tử vong do COVID-19 trong năm 2021.