Tuyên bố chung sau cuộc họp của nhóm Bộ Tứ nêu rõ, các bên đã thảo luận về “những bước đi tiềm năng để thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông” và nỗ lực hướng tới “nối lại tiến trình hòa bình đáng tin cậy giữa Palestine và Israel”.
Phát biểu với báo giới, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi cho biết các nước dự họp muốn “ngăn chặn mọi biện pháp có thể gây tổn thất cho giải pháp 2 nhà nước”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói các khu định cư của Israel ở Bờ Tây là “đi ngược với luật pháp quốc tế và nếu còn tiếp diễn sẽ làm giảm triển vọng về nhà nước Palestine”.
Đại diện bốn nước cũng bày tỏ sẵn sàng hợp tác với chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden nhằm “tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán hướng tới một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài”.
Nhóm bốn nước Ai Cập, Jordan, Pháp và Đức đã nhóm họp 2 lần trong năm ngoái. Các bộ trưởng cho biết cuộc họp tiếp theo sẽ được tổ chức tại Paris, nhưng không cho biết thời gian cụ thể.
Các cuộc hòa đàm giữa chính quyền Palestine và Israel đã đình trệ từ năm 2014. Phía Palestine không chấp nhận Mỹ bảo trợ các cuộc đàm phán với Israel kể từ khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và dời Đại sứ quán Mỹ tại Israel đến thành phố này vào tháng 5/2018.
Jerusalem là thành phố linh thiêng đối với cả người Hồi giáo và người Do Thái. Sau cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967, Israel đã chiếm Đông Jerusalem và sáp nhập vào lãnh thổ. Tuy nhiên, động thái này của Israel không được cộng đồng quốc tế công nhận. Người dân Palestine luôn coi Đông Jerusalem sẽ là thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai.