Tại cuộc họp, Chính phủ Nhật Bản thông báo với nhóm chuyên gia cố vấn rằng áp lực đối với hệ thống y tế đang giảm dần dù thông tin về số ca nhiễm mới không tích cực lắm trong thời gian gần đây.
Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy số ca nhiễm mới trên toàn quốc đã giảm mạnh từ 7.863 ca vào ngày 8/1 xuống còn khoảng 1.500 ca/ngày, và số ca tử vong giảm từ mức đỉnh 121 ca/ngày vào đầu tháng này xuống dưới 50 ca/ngày. Hệ thống y tế ở Tokyo và 3 tỉnh lân cận đã cải thiện đáng kể khi tỷ lệ sử dụng giường bệnh cho các bệnh nhân mắc COVID-19 ở các tỉnh, thành này đã giảm xuống dưới 50%, đáp ứng tiêu chí để dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp của Chính phủ. Cụ thể, ngày 15/3, tỷ lệ này ở Tokyo là 25%, Saitama %, Chiba 40% và Kanagawa 26%.
Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Yasutoshi Nishimura, người phụ trách công tác ứng phó với dịch COVID-19 của chính phủ, cho biết: “Số lượng ca nhiễm mới đang có xu hướng tăng nhẹ. Điều này có nghĩa có thể xảy ra đợt bùng phát mới. Đó là lý do chúng tôi phải thực hiện các biện pháp để không xảy ra một đợt bùng phát lớn”.
Nếu tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ, chính phủ sẽ tiếp tục yêu cầu các nhà hàng và quán bar đóng cửa sớm, và kêu gọi các doanh nghiệp khuyến khích làm việc từ xa. Việc xét nghiệm trên quy mô lớn sẽ được tiến hành ở các thành phố lớn để xác định những người nhiễm virus SARS-CoV-2 mà không có triệu chứng, đồng thời kiểm soát sự lây lan ở khu vực đô thị.
Theo dự kiến, Chính phủ Nhật Bản sẽ đệ trình Quốc hội kế hoạch dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp ở 4 tỉnh, thành. Sau đó, chính phủ sẽ đưa ra quyết định chính thức tại cuộc họp của Ban chỉ đạo ứng phó với dịch COVID-19. Trong tối 18/3, Thủ tướng Suga Yoshihide sẽ tổ chức họp báo để giải thích lý do về quyết định này và các biện pháp mà chính phủ sẽ triển khai trong thời gian tới.
* Cùng ngày, giới chức thủ đô Seoul của Hàn Quốc đã lên tiếng bảo vệ quyết định yêu cầu tất cả người lao động nước ngoài phải xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và những trường hợp không tuân thủ sẽ bị phạt hàng nghìn USD.
Trao đổi với báo giới, bà Park Yoo-mi, một quan chức kiểm dịch của thành phố Seoul, cho biết trong quý III/2020, tỷ lệ người nước ngoài nằm trong số các trường hợp mắc COVID-19 đã tăng lên 6,3%, gần gấp 3 lần con số 2,2% trong tháng 11 và 12 năm ngoái. Bà nhấn mạnh sự an toàn của người lao động nước ngoài có liên quan trực tiếp đến sự an toàn của cộng đồng địa phương.
Ngày 17/3, chính quyền thủ đô Seoul đã ban hành sắc lệnh hành chính có hiệu lực trong 15 ngày, yêu cầu các chủ lao động thuê dù chỉ một lao động nước ngoài phải tiến hành xét nghiệm COVID-19 cho chính mình và cả những lao động nước ngoài đang sử dụng.
Tuần trước, chính quyền tỉnh Gyeonggi cạnh thủ đô Seoul cũng đã ban bố sắc lệnh tương tự sau khi ghi nhận ít nhất 275 ca xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 là người nước ngoài. Tuy nhiên, tỉnh này đã bỏ yêu cầu người lao động nước ngoài xét nghiệm trước khi được tuyển dụng, viện dẫn mối quan ngại về tình trạng phân biết đối xử.
Chính phủ Hàn Quốc cảnh báo tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng người lao động nước ngoài đang đặt ra "nguy cơ cao". Các quan chức y tế cho rằng việc yêu cầu xét nghiệm là cần thiết để giảm số ca mắc mới COVID-19.
Tính đến tháng 12/2020, Seoul có trên 242.000 lao động nước ngoài đăng ký hợp pháp.