Xác máy bay MH17 tại khu vực rơi, gần thị trấn Shaktarsk, miền đông Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo báo cáo, hệ thống Buk đã được vận chuyển bằng xe tải từ Donetsk đến Snezhoe, và sau đó được đưa đến phía Nam Snezhoe. Từ đó, khoảng 16h20 giờ địa phương đã phóng tên lửa bắn hạ chiếc máy bay Malaysia.
Tác giả bản báo cáo gọi hệ thống tên lửa phòng không SAM là Buk 3x2 - theo dòng chữ viết ở mạn phải hệ thống, có thể thấy trong những bức ảnh chụp tại Donetsk, công bố trên báo Pháp Paris Match.
Theo Bellingcat, có vẻ như hệ thống Buk thuộc đoàn xe quân sự đi từ Kursk tới Millerovo (tỉnh Rostov) tháng 6/2014. Trước đó hệ thống Buk này thuộc phiên chế Lữ đoàn tên lửa phòng không 53, đóng ở ngoại ô Kursk.
Công ty Almaz-Antey của Nga, chuyên chế tạo hệ thống Buk đã đưa ra kịch bản thảm họa của mình, theo đó MH17 bị một quả tên lửa đất đối không bắn hạ, và đó chỉ có thể là tên lửa 9MM1 do hệ thống Buk-M1 bắn đi. Nga ngừng sản xuất tên lửa cho Buk-M1 năm 1999, đồng thời chuyển giao tất cả các tên lửa còn lại thuộc loại này cho khách hàng quốc tế. Tuy nhiên, theo Bellingcat, người sử dụng Internet đã tìm thấy rất nhiều hình ảnh tên lửa 9MM1 trong quân đội Nga. Cụ thể các chuyên gia, trích số liệu của Reuters cho biết loại tên lửa này đã được sử dụng tại Lữ đoàn tên lửa phòng không số 53.
Báo cáo cũng bác bỏ kịch bản của Bộ Quốc phòng Nga. Cụ thể, các chuyên gia đã phân tích hình ảnh vệ tinh do Bộ Quốc phòng Nga cung cấp. Bằng cách so sánh những hình ảnh này với hình ảnh của công ty Digital Globe và Google Earth tại khu vực đó vào thời điểm 17/7, Bellingcat đi đến kết luận hình ảnh của Bộ Quốc phòng Nga được đưa ra "một vài tuần trước thời điểm 17/7".
Các chuyên gia lưu ý Almaz-Antey đã chỉ ra địa điểm phóng tên lửa tương tự như Bộ Quốc phòng Nga - làng Zaroschenskoe "cách địa điểm nhiều khả năng phóng tên lửa ở ngoại ô Sneznoe 20km về phía Tây"