Theo UKHSA, trong 10 ngày đầu năm nay, trên toàn nước Anh ghi nhận hơn 400 ca nhiễm BA.2, và biến thể này đã được phát hiện ở khoảng 40 quốc gia khác, trong đó có Ấn Độ, Đan Mạch và Thụy Điển. Thông báo của UKHSA ngày 21/1 nêu rõ “vẫn còn nhiều điều không chắc chắn về mức độ biến đổi ở bộ gene của virus” do đó cần quan sát thêm.
Trong khi đó, theo chuyên gia dịch tễ học người Pháp Antoine Flahault, Giám đốc Viện Sức khỏe toàn cầu thuộc Đại học Geneva, mặc dù hiện tại BA.2 chưa được coi là biến thể đáng quan ngại, nhưng các nước cần cảnh giác trước diễn biến mới này trong khi các nhà khoa học đang tích cực giám sát để đánh giá mức độ nguy hiểm của biến thể mới xuất hiện này. Ông cho biết điều khiến các chuyên gia thấy bất ngờ là mức độ lây lan nhanh chóng của BA.2 khi tới Đan Mạch, dù trước đó đã xuất hiện trên diện rộng ở châu Á.
Các nhà khoa học đang đánh giá xem liệu virus SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục tiến hóa và đột biến như thế nào. Định dạng mới nhất của virus này không sở hữu đột biến cụ thể nào từng được dùng để truy vết và so sánh biến thể Omicron gốc (BA.1) với biến thể chủ đạo trước đây là Delta. Theo chuyên gia Flahault: “Nước Pháp đã dự kiến đỉnh điểm lây nhiễm sẽ là vào giữa tháng 1/2022, nhưng điều đó không xảy ra – có thể là do dòng phụ BA.2 dễ lây lan hơn như độc lực ít hơn so với BA.1”. Ông cho biết điều các chuyên gia quan tâm là liệu BA.2 có những đặc tính khác biệt nào so với Omicron.
Trong khi đó, chuyên gia virus học Tom Peacock thuộc Đại học Hoàng gia London, Anh cho biết những quan sát ban đầu ở Ấn Độ và Đan Mạch cho thấy không có khác biệt lớn về khả năng gây bệnh nghiêm trọng giữa BA.2 và Omicron. Do đó ông cho rằng biến thể phụ BA.2 sẽ không đặt ra câu hỏi về mức độ hiệu quả của các vaccine hiện có, tuy nhiên nhấn mạnh tất cả chỉ là dự đoán từ quan sát ban đầu chứ chưa có cơ sở vững chắc nào cho nhận định này. Ông dự báo, làn sóng dịch do biến thể Omicron ở nhiều nước đã gần đạt đỉnh điểm, thậm chí có nước đã vượt qua giai đoạn này, và ít có khả năng BA.2 sẽ gây ra một làn sóng kế tiếp.