Chuyên gia Wu Xing làm việc tại một phòng thí nghiệm lâm sàng thuộc một bệnh viện lớn ở Vũ Hán cho biết: "Chúng tôi phải làm việc suốt ngày đêm, rất mệt mỏi". Theo cô Wu, các chuyên gia y tế tại các bệnh viện ở thành phố Vũ Hán nói riêng và tỉnh Hồ Bắc nói chung đang rất cần các thiết bị bảo hộ đáp ứng tiêu chuẩn y tế, đặc biệt là mặt nạ N95 và quần áo bảo hộ. Cô cho biết khi các thiết bị y tế mới chưa kịp chuyển đến, các bác sĩ và y tá ở một số bệnh viện thậm chí đã phải sử dụng khẩu trang y tế cá nhân, mũ tắm, kính bơi và áo mưa để tự bảo vệ mình.
Theo chuyên gia Wu Xing, những thiết bị bảo hộ như vậy chỉ được sử dụng trong các tình huống dịch bệnh nghiêm trọng, như dịch Hội chứng Viêm đường hô hấp cấp (SARS) 2002 - 2003, do đó số lượng các nhà sản xuất ở Trung Quốc trong lĩnh vực này có phần hạn chế. Khi dịch bệnh do virus Corona chủng mới đột ngột bùng phát, cung và cầu không cân bằng và theo đó phải mất thời gian để cung cấp đủ quần áo bảo hộ dùng một lần, phục vụ cho các chuyên gia y tế (riêng tại Vũ Hán, con số này đã là 100.000 người).
Cô Wu Xing chỉ về nhà mỗi tuần một lần kể từ khi dịch bệnh xảy ra. Việc đầu tiên cô làm khi trở về nhà là đi tắm và giặt quần áo bằng tay với chất khử trùng trong một chiếc chậu chuyên biệt. Cô chia sẻ: "Các đồng nghiệp của tôi và tôi không sợ bị nhiễm virus, nhưng chúng tôi sợ rằng con cái hoặc cha mẹ mình sẽ bị nhiễm bệnh, trong khi nguy cơ gây tử vong đối với người cao tuổi là rất lớn. Vì vậy, chúng tôi không dám về nhà để gặp họ".
Trong khi đó, công việc hằng ngày của ông Chen Aimin, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Tiềm Giang thuộc tỉnh Hồ Bắc, là đến các phòng khám y tế ở khu vực nông thôn để đánh giá tình hình các trường hợp mới nghi nhiễm virus Corona. Bác sĩ Chen cho biết: "Cả xã hội nên thống nhất và đoàn kết trong các nỗ lực chấm dứt mọi con đường có thể dẫn tới lan truyền virus và mọi người cần có kỷ luật trong từng hành động của mình. Họ nên rửa tay thường xuyên, mở cửa sổ để thông gió, hạn chế ra khỏi nhà và tạm dừng các hoạt động gặp gỡ giao lưu". Rất nhiều bệnh nhân bị nhiễm virus Corona chủng mới hiện trong tình trạng nghiêm trọng hoặc nguy kịch đến tính mạng đang được điều trị tại Bệnh viện Trung ương Tiềm Giang.
Có dân số khoảng 966.000 người, thành phố Tiềm Giang ở cách ga tàu Hankou chỉ 60 phút di chuyển, và khá gần với chợ bán buôn hải sản Huanan của thành phố Vũ Hán - vốn được cho là nơi khởi phát dịch bệnh. Giống như người dân ở các thành phố trên khắp Hồ Bắc, cư dân Tiềm Giang thường đến thăm Vũ Hán vì lý do cá nhân hoặc để phục vụ công việc kinh doanh. Vào dịp cuối năm, nhiều người làm việc hoặc học tập ở Vũ Hán trở về đoàn tụ gia đình tại Tiềm Giang. Ngoài ra, nhiều người từ các tỉnh khác trở về Hồ Bắc cũng thường phải đi qua Vũ Hán - điểm trung chuyển giao thông quan trọng của tỉnh, trước khi họ có thể đến các thành phố khác của Hồ Bắc.
Các chuyên gia tin rằng, việc dễ dàng di chuyển và thiếu nhận thức về các rủi ro tiềm ẩn trong những ngày đầu bùng phát dịch bệnh là lý do chính khiến virus 2019-nCoV lây lan nhanh đến mức toàn bộ tỉnh Hồ Bắc phải cách ly.
Bác sĩ Chen cho biết: "Chúng tôi đang cần mặt nạ N95 và quần áo bảo hộ. Nếu số bệnh nhân trong tình trạng nghiêm trọng tăng lên, chúng tôi sẽ cần thêm máy thở. Ngoài ra, nhu cầu về giường bệnh viện cũng đang rất cấp bách". Theo bác sĩ Chen, chính quyền địa phương đang nỗ lực giải quyết những vấn đề này, trong khi nhiều cá nhân và doanh nghiệp đã quyên góp tiền và thiết bị bảo vệ.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Bệnh viện Trung ương Tiềm Giang luôn triển khai 30 chuyên gia y tế thường xuyên túc trực tại khu vực bệnh nhân cách ly trong vòng 15 ngày, với thời gian làm việc tối thiểu 10 giờ/ngày. Khi thời gian làm nhiệm vụ của các bác sĩ này kết thúc, chính họ cũng sẽ bị cách ly trong vòng hai tuần, tại một khách sạn được chính quyền địa phương thuê riêng cho các bác sĩ trong diện “cần theo dõi”. Một êkip 30 chuyên gia y tế khác sẽ được triển khai thay thế họ làm việc trong phòng bệnh nhân cách ly. Bác sĩ Chen cho biết: "Các biện pháp cần thiết đã được áp dụng để giảm thiểu khả năng các chuyên gia y tế bị nhiễm bệnh".
Chính quyền địa phương cũng đang rất tích cực trong việc phổ biến thông tin và khuyến cáo người dân tránh ra khỏi nhà khi không thật cần thiết, đặc biệt là người dân sống ở khu vực nông thôn. Các nhân viên y tế cộng đồng sẽ lập danh sách của tất cả những người trở về từ các thành phố khác và tiến hành kiểm tra thân nhiệt nhằm phát hiện sớm những người có dấu hiệu sốt.
Cô Song Meizi - chủ sở hữu một cửa hàng tạp hóa ở thành phố Tiềm Giang cho biết: "Đường phố nồng nặc mùi thuốc khử trùng và gần như tất cả mọi người trên đường đều đeo mặt nạ, kể cả trẻ em". Khẩu trang, kính bảo hộ và găng tay dùng một lần là những vật “bất ly thân” của cô trong giờ làm việc tại cửa hàng. Vợt cầu lông và dây nhảy được là những sản phẩm được bán hết nhanh chóng, vì người dân địa phương muốn tập thể dục khi bị “mắc kẹt” trong nhà. Cô cho biết: "Trong dịp Tết Nguyên đán, cách duy nhất để chúng tôi "giết thời gian" là chơi mạt chược với người thân và hàng xóm, nhưng bây giờ mọi người chỉ ở nhà cùng với các thành viên gia đình”.
Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, tính đến sáng 4/2, nước này đã ghi nhận hơn 20.400 ca nhiễm virus 2019-nCoV, trong đó có 3.235 ca nhiễm mới. Riêng ngày 3/2 có thêm 64 ca tử vong mới, mức cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bùng phát cuối năm ngoái, nâng tổng số trường hợp tử vong tại Trung Quốc đại lục lên 425 người. Dịch bệnh đã lan ra hơn 20 nước trên thế giới, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại Philippines.