Theo mạng tin Zerohedge.com ngày 2/7, hàng năm, Tập đoàn Tư vấn Boston (BCG) có trụ sở chính tại Mỹ công bố bảng xếp hạng các Công ty Sáng tạo nhất thế giới.
Dựa trên cuộc khảo sát với hơn 1.000 giám đốc điều hành đổi mới trong tháng 12/2022 và tháng 1/2023, BCG đã đánh giá hiệu suất của một công ty đổi mới trên các khía cạnh như chia sẻ tư duy toàn cầu hay tạo ra giá trị.
Theo đó, năm thứ 4 liên tiếp, Apple được coi là công ty sáng tạo nhất thế giới. Trên thực tế, Apple (Công nghệ) đã giữ danh hiệu này hàng năm kể từ năm 2005, trừ năm 2019. Xếp thứ hai là Tesla (Công nghệ) và tiếp theo là Amazon (Công nghệ), Alphabet (Công nghệ), Microsoft (Công nghệ), Moderna (Y tế), Samsung (Công nghệ), Huawei (Công nghệ),…
Năm nay, BCG đã bổ sung thêm một số công ty vào trong bảng xếp hạng của họ, gồm Bosch của Đức (thứ 37). Theo BCG, công ty kỹ thuật và công nghệ này có một tổ chức R&D (Nghiên cứu và Phát triển) toàn cầu gồm 84.800 nhân viên tại 130 địa điểm. Bosch cũng đã duy trì chi tiêu cho R&D (như một phần doanh thu) ở mức từ 7,6% đến 8,2% từ năm 2018 đến năm 2021.
Một điểm nổi bật khác là Samsung (thứ 7), đã chi hơn 17 tỷ USD (9% doanh thu hàng năm) cho R&D vào năm 2021, đưa tập đoàn Hàn Quốc này trở thành một trong những tập đoàn chi nhiều nhất thế giới cho đổi mới. Samsung cũng đã được cấp 6.300 bằng sáng chế của Mỹ vào năm 2022, nhiều nhất so với bất kỳ công ty nào.
Trong bảng xếp hạng mới cũng cho thấy, các công ty đổi mới không chỉ là công ty công nghệ. McDonald's (thứ 34) được BCG đánh giá là “đi đầu trong lĩnh vực đầu tư và đổi mới công nghệ”. Ví dụ: McDonald's gần đây đã mua lại Apprente, một công ty khởi nghiệp phát triển các công nghệ dựa trên giọng nói và Dynamic Yield, một công ty chuyên tạo ra các trải nghiệm trực tuyến. Mục tiêu của McDonald's là tận dụng những công nghệ này để cải thiện thời gian đặt hàng và mang đến cho khách hàng những lựa chọn tốt hơn.
Về xếp hạng theo quốc gia, Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia duy nhất tăng thị phần từ năm 2013, đẩy các công ty từ các nước châu Âu như Đức, Anh, Pháp và Italy ra khỏi thị trường. Trong số 50 công ty đổi mới hàng đầu thế giới, Mỹ chiếm đa số với 25 đại diện, Trung Quốc có 7 công ty, Đức (5 công ty). Bảng so sánh cũng cho thấy sự sụt giảm đáng kể về đại diện của Nhật Bản (3 công ty) và Hàn Quốc (1 công ty).
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, có khả năng các công ty Trung Quốc sẽ tiếp tục có đại diện nhiều hơn trong bảng xếp hạng của BCG trong tương lai. Cho đến nay, nhà đổi mới mạnh nhất của Trung Quốc là Huawei (thứ 8), lọt vào danh sách 50 công ty hàng đầu hàng năm kể từ năm 2014.