Bà Ursula von der Leyen nói rằng Liên minh châu Âu (EU) cần giảm phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc và “tái cân bằng” mối quan hệ này.
Thâm hụt thương mại hàng hóa của EU với Trung Quốc ngày càng mở rộng, đặc biệt kể từ thời điểm bùng phát dịch COVID-19. Năm 2022, thâm hụt thương mại giữa EU và Trung Quốc là 396 tỷ euro, trong khi năm 2016 con số này là 145 tỷ euro. 20% hàng hóa EU nhập khẩu xuất phát từ Trung Quốc. Đổi lại, chỉ có 9% hàng hóa EU xuất khẩu cập bến Trung Quốc.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) đã điểm tên những lĩnh vực EU đang dựa vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và chiến thuật của khối 27 thành viên để giảm tình trạng này.
Xe hơi
Các nhà sản xuất xe hơi châu Âu đã gặt hái thành công trong xuất khẩu ô tô đến Trung Quốc với năm 2022 đạt mức 24,3 tỷ euro, cao hơn 56% so với 2015. Khoảng 80% xe hơi EU xuất khẩu có nguồn gốc từ Đức.
Trung Quốc là thị trường lớn thứ 3 đối với xe hơi của châu Âu, với khoảng 15% xe hơi châu Âu xuất khẩu hướng đến quốc gia này.
Nhưng mảng xe điện lại thể hiện mức thâm hụt rõ rệt đối với EU. Lượng xe điện Trung Quốc xuất khẩu đến châu Âu đã tăng lên mức 6,9 tỷ euro vào năm 2022 trong khi năm 2020 con số này chỉ là 800 triệu euro.
Công ty PwC (Anh) dự đoán đến năm 2025, gần 800.000 xe ô tô tại Trung Quốc sẽ được bán tại châu Âu. Chưa đầy một nửa trong số này bắt nguồn từ các hãng ô tô phương Tây sản xuất trên lãnh thổ Trung Quốc như BMW, Renault. Một nửa còn lại thuộc về các nhà sản xuất Trung Quốc như MG và BYD.
Khoáng sản quan trọng
Ủy ban châu Âu đã đề xuất “Kế hoạch Công nghiệp Thỏa thuận Xanh” tập trung vào đảm bảo nhiều hơn vật liệu thô, đẩy mạnh lĩnh vực sản xuất công nghệ sạch và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
Trong 30 vật liệu thô EU xếp vào danh sách trọng yếu, có đến 19 cái tên phần lớn được nhập khẩu từ Trung Quốc. Kênh DW (Đức) dự đoán tình trạng phụ thuộc này có thể tăng lên trong tương lai. EU tính đến năm 2030, riêng nhu cầu về cobalt sẽ tăng gấp 5 lần, lithium là 18 lần.
98% đất hiếm sử dụng tại Châu Âu bắt nguồn từ Trung Quốc. Đối với lithium mức phụ thuộc của châu Âu là 97% và magnesium là 93%. Đất hiếm đóng vai trò thiết yếu cho hàng loạt sản phẩm công nghệ cao, từ máy tính, điện thoại, xe hơi... tới thiết bị quân sự như súng laser... Xét về sản lượng, Trung Quốc dẫn đầu ngành đất hiếm thế giới suốt hơn hai thập niên qua, chiếm 50-70% lượng đất hiếm khai thác và 90% lượng được xử lý.
Trong nhiều trường hợp, khoáng sản không được khai thác tại Trung Quốc nhưng được xử lý ở nước này. EU đặt mục tiêu đến năm 2030 tự xử lý 40% vật liệu thô quan trọng mà khối này tiêu thụ.
Châu Âu khó có thể tự đáp ứng được nhu cầu với các mỏ khai thác trong lục địa. DW đưa tin một giải pháp được cân nhắc là cố gắng tái sử dụng vật liệu qua quy trình tái chế hiệu quả và tập trung hơn vào một nền kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, vẫn có hạn chế với giải pháp này. Ông Siyamend Al Barazi tại Cơ quan Tài nguyên khoáng sản Đức (DERA) cho biết khi nhu cầu chung vẫn tăng đều đặn thì việc tái chế chỉ có thể giảm nhẹ vấn đề ở Đức.
Công nghệ sạch
80% pin Mặt Trời EU sử dụng được nhập khẩu từ Trung Quốc. Năm 2022, lượng nhập khẩu trị giá 21 tỷ euro.
Theo Đạo luật Công nghiệp cân bằng phát thải EU đang xây dựng, việc đấu thầu công khai các dự án xanh sẽ gây nhiều khó khăn hơn đối với đơn vị thuộc những quốc gia đang cung cấp hơn 65% công nghệ hoặc sản phẩm cụ thể cho châu Âu.
Điều này nằm trong nỗ lực của EU sản xuất tối thiểu 40% pin Mặt Trời, pin nhiên liệu và các thiết bị khác cần thiết đối với chuyển đổi xanh của khối.