Quân đội Mỹ cho biết sáng 18/12, những binh sĩ Mỹ cuối cùng tại Irắc đã rút khỏi nước này bằng đường bộ qua biên giới Côoét với đoàn xe gồm khoảng 110 chiếc, chở hơn 500 binh sĩ chủ yếu thuộc Lữ đoàn số 3. Sẽ chỉ còn khoảng hơn 100 lính Mỹ còn ở lại tại Đại sứ quán Mỹ ở Bátđa.
Binh sĩ Mỹ và binh sĩ Côoét tại khu vực biên giới Irắc-Côoét, sau khi rút khỏi Irắc. Ảnh: AFP/TTXVN |
Như vậy, sau gần 9 năm kể từ khi phát động cuộc chiến lật đổ chế độ nhà lãnh đạo Saddam Hussien, lực lượng Mỹ đã chính thức rút hoàn toàn về nước và chấm dứt chiến dịch quân sự tại Irắc.
Đây là một cuộc chiến tốn kém sức người sức của với Oasinhtơn khi cao điểm, lực lượng Mỹ có gần 170.000 quân tại Irắc, đóng ở 505 căn cứ. Ước tính hơn 100.000 người Irắc và gần 4.500 lính Mỹ thiệt mạng, hơn 1,7 triệu người Irắc mất nhà cửa trong những năm tháng bom đạn vừa qua.
Năm 2008, Bátđa và Oasinhtơn ký thỏa thuận về việc lực lượng Mỹ rút quân trước thời hạn chót là cuối năm nay và mùa Hè năm ngoái, Mỹ cũng tuyên bố kết thúc các hoạt động chiến trường tại Irắc. Đại sứ quán Mỹ ở Bátđa giờ đây sẽ chỉ duy trì một đội ngũ 157 lính Mỹ làm nhiệm vụ huấn luyện cho các lực lượng Irắc và một nhóm lính thủy đánh bộ bảo vệ phái bộ ngoại giao.
Irắc hiện có một lực lượng an ninh khá đông đảo khoảng 900.000 người. Tuy nhiên, việc lực lượng Mỹ rút hoàn toàn khỏi Irắc làm dấy lên nhiều lo ngại sẽ nảy sinh những bất ổn an ninh và các biến động trên chính trường.
Điều này sớm thành hiện thực khi ngày 17/12, khối chính trị của người Sunni đã tuyên bố tẩy chay quốc hội nhằm phản đối Thủ tướng Irắc Nuri al-Maliki chậm trễ trong giải quyết những bế tắc chính trị khi hướng tới thành lập một chính phủ chia sẻ quyền lực.
TTXVN/Tin Tức