Nhóm thanh niên chơi cricket trên đường phố Molenbeek. |
Đó là thời khắc tăm tối nhất của Brussels, 3 vụ nổ lớn đã xảy ra ngay tại trái tim châu Âu. Từ sau vụ khủng bố Paris tháng 11/2015, nỗi sợ về những cuộc tấn công từ trong lòng Lục địa già đã ẩn hiện tại thủ đô nơi bầu trời luôn u ám nhiều mây tại trung tâm nước Bỉ. Và "cơn bão" đã ập đến vào ngày 22/3 khiến 28 người thiệt mạng tại sân bay Zaventem và nhà ga Maalbeek sau vụ đánh bom do chính những con người trưởng thành trên đất Bỉ tiến hành.
Cuộc đánh bom đẫm máu nhất trong lịch sử Bỉ đã hướng sự chú ý vào thành phố thủ đô hiện đang bị giày vò bởi những vấn đề từ bên trong. Nhiều người dân Bỉ cho biết đất nước đang ở trong chiến tranh vào thời bình, vẻ đẹp của những con phố cổ lát đá nay bị ảnh hưởng bởi những chiếc xe quân đội lừng lững trấn thủ tại các ngóc ngách.
Không khí khắp thành phố bị lẫn lộn với nỗi lo sợ rằng một cuộc tấn công khác có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Các lãnh đạo thế giới tự chất vấn làm thế nào lực lượng an ninh bao phủ dày đặc cả thành phố trong nhiều tháng sau vụ tấn công Paris lại để lọt những kẻ dẫn đến vụ khủng bố ngày 22/3 này.
Xe quân sự xuất hiện tại hầu hết các khu vực trung tâm Brussels. |
Tại quận Anderlecht yên bình, các bậc phụ huynh băn khoăn làm thế nào để giải thích về sự kiện kinh khủng xảy ra trong thời gian qua với con cái họ và liệu con cái họ có an toàn ở trường học hay không.
Còn ở khu Molenbeek, các bà mẹ không biết liệu con cái họ quay trở về nhà như thế nào và họ sẽ còn phải cầu nguyện cho lỗi lầm của một số người khác sống ở đây cho đến bao giờ.
Nếu Berlaymont, trụ sở Ủy ban châu Âu, là một trong những tòa nhà nổi tiếng nhất trong thành phố thì một tòa nhà 3 tầng xám đỏ gạch tại Molenbeek lại đang lân la "chiếm lĩnh sân khấu". Đó là nơi Salah Abdeslam, một trong những kẻ bị truy lùng gắt gao nhất châu Âu bị các nhà chức trách Bỉ bắt giữ vào giữa tháng ba sau 4 tháng lẩn trốn trong căn hộ chỉ cách ngôi nhà hắn sinh sống từ bé 500m.
Căn nhà nơi Abdeslam ẩn náu. |
Chỉ trong 4 tháng sau cuộc tấn công khủng bố Paris, Molenbeek- khu vực có dân số chủ yếu là người di cư, chỉ cách trụ sở Ủy ban châu Âu 20 phút lái xe đã bị gắn liền với "cực đoan". Nhưng cộng đồng nơi đây lại có một câu chuyện khác với nội dung về những con người chăm chỉ cảm thấy giận giữ và không có kết nối với xã hội dường như đã gạt họ sang bên lề. Đây là quận có mật độ dân cư cao nhất thủ đô và cũng là nơi có tỷ lệ người thất nghiệp ở mức đáng lo ngại.
Tại quán cà phê Bienvenue ở Molenbeek, những người đàn ông luống tuổi cùng uống cà phê, chơi bài trong khi chiếc tivi ở góc quán liên tục chiếu thông tin thời sự mới nhất. Một người đàn ông có tên Said chia sẻ: “Người dân ở đây đều tốt tính như mọi nơi khác. Đây là một cộng đồng nơi chúng tôi đều biết về nhau và luôn sẵn sàng giúp đỡ nhau”.
Said cho rằng tên Abdeslam đã đem tiếng xấu cho Molenbeek. Said còn nhắc đến sự mệt mỏi chung trong những người dân sống tại Molenbeek với truyền thông, mệt mỏi vì phải xin lỗi và sống trong lo sợ tại chính cộng đồng của họ.
Molenbeek có thể là một trong những khu vực bị kiểm soát chặt chẽ nhất tại châu Âu. Binh sĩ và xe quân sự xuất hiện mọi ngóc ngách. Các cuộc rà soát chống khủng bố diễn ra ở mọi thời điểm trong ngày đã trở thành một thực tế quen thuộc tại Molenbeek. Trẻ em hồn nhiên chơi cricket trên đường phố nhưng cha mẹ chúng nhiều khi đã quá sợ hãi để ra khỏi nhà.
Halima Abdelkader, bà mẹ bốn con sống tại Molenbeek cũng khẳng định người dân nơi đây rất gắn kết và thân thiết, họ biết rõ về nhau, về các gia đình cũng như những thanh niên “bất trị” trong khu. Abdelkader thổ lộ: “Tôi biết Salah Abdeslam từ khi nó còn là một cậu bé”. Abdelkader nhận thấy có sự thay đổi gần đây, Molenbeek đang cố gắng duy trì sự đoàn kết nhưng có khoảng cách đang ngày càng nới rộng với các khu vực khác ở Brussels.
Kamal (35 tuổi) là chủ một cửa hàng thịt tại Molenbeek cho biết anh cảm thấy mình như một người lạ ngay tại chính nơi sinh ra: “Tình trạng tại đây trở nên xấu đi trong 4 tháng qua. Tất cả người dân Bỉ nhìn nhận Molenbeek là vấn đề. Chúng tôi là công dân Bỉ vậy mà họ coi chúng tôi như người lạ”.
Đó cũng là cảm nhận của Khadija Zamouri, một thành viên Quốc hội, người được sinh ra tại Molenbeek, bà cho rằng mọi người chỉ đổ tội cho đạo Hồi và nghĩ rằng người dân Molenbeek phải xin lỗi về điều này. Nhưng bà khẳng định không hề muốn xin lỗi cho điều bà không gây ra. Zamouri cho biết mọi người đều nên biết rằng chính cộng đồng đạo Hồi tại Bỉ cũng bị tổn thương bởi các vụ đánh bom. Và khi cả đất nước cùng đoàn kết lại sau đau thương thì xã hội cũng lại không công bằng với cộng đồng người thiểu số ở Bỉ.
Hai con trai của Zamouri có đường nét rõ ràng của người Arập và cậu thứ hai Haroun luôn bị cảnh sát chặn hỏi, ngay cả trước khi vụ tấn công Paris xảy ra. Bất cứ lúc nào Haroun ra ngoài, cứ mỗi tuần sẽ có từ 1 đến 2 lần cậu bị cảnh sát hỏi thăm. Haroun tuyên bố với mẹ rằng cậu sẽ rời Bỉ sau khi học xong đại học.
Trụ sở ủy ban châu Âu trở nên vắng vẻ. |
Vào một ngày bình thường, sân bao quanh trụ sở ủy ban châu Âu sẽ đầy các nhà ngoại giao và giáo sư vội vã đi lại. Nhưng hai ngày sau vụ đánh bom, nơi đây hầu như vắng vẻ. Nhà ga Maelbeek, nơi 20 người thiệt mạng cửa vẫn đóng im lìm, một nhóm người đặt hoa trên mặt đất bên ngoài.
Jonathan Williams sống tại Anderlecht ở phía nam Molenbeek cũng giống như hàng ngàn ông bố bà mẹ khác khắp đất nước Bỉ đang gặp nhiều khó khăn để giải thích cho con cái họ về điều đang xảy ra. Williams cũng lo lắng về khả năng để ngăn chặn kiểu tấn công như vậy tiếp tục xảy ra.
“New York, Paris, Brussels, thật là buồn cho những đứa trẻ, về thế giới mà chúng đang lớn lên. Rất khó để tìm giải pháp cho vấn đề này. Cha mẹ tôi và tôi hôm trước vừa đùa rằng chúng tôi sẽ chuyển đến một hòn đảo và trồng cà chua”. Rồi anh cười và nói: “Nhưng chúng tôi phải sống với điều đó. Chính những lúc như vậy mặt tốt của con người cũng có thể được bộc lộ”.
Joelle Scott đang làm việc tại văn phòng gần đó khi vụ việc xảy ra. Bà mẹ 3 con vẫn run rẩy khi hồi tưởng lại sự việc, cô nói: “Tôi không nghĩ nó đã kết thúc. Các chính trị gia chưa thực hiện nghiêm túc công việc của họ và hiện nay nó đã quá muộn”.
Còn Hamdouch, một người Pháp đã sống tại Brussels được một thập kỷ, hiện đang làm việc cho Ủy ban châu Âu, nghĩ rằng chính phủ Bỉ cần phải làm công việc tốt hơn để đoàn kết lại các cộng đồng. Anh cũng chia sẻ: “Nếu phải lựa chọn giữa việc đi lại giữa hai tuyến phố, tôi luôn chọn tuyến đường vắng vẻ hơn”.
Hamdouch giống như nhiều người khác tại Brussels đều chấn động sau cuộc tấn công nhưng anh quyết định sẽ không chịu thua nỗi sợ hãi.