Tại cuộc họp báo tối 12/7 sau hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius (Litva), Tổng thống Erdogan đã đề cập đến một số vấn đề của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển, thỏa thuận F-16 với Mỹ và động thái cân bằng của nước này với Nga cùng Ukraine.
Nguyện vọng gia nhập NATO của Thụy Điển
Ngày 12/7, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, ông sẽ chuyển đơn xin gia nhập NATO của Thụy Điển lên Quốc hội nước này để tiến hành biểu quyết thông qua ngay khi các nhà lập pháp nhóm họp trở lại vào ngày 1/10 tới.
Trước thời điểm này, Stockholm sẽ cung cấp cho Ankara lộ trình về các bước mà nước này thực hiện để đối phó với những tổ chức Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố.
Động thái Thổ Nhĩ Kỳ bật đèn xanh diễn ra trong bối cảnh Thụy Điển cam kết hỗ trợ cập nhật thỏa thuận thuế quan của Thổ Nhĩ Kỳ với Liên minh châu Âu (EU) và nguyện vọng của Ankara về việc công dân được di chuyển miễn thị thực trong EU.
Thỏa thuận F-16
Chỉ vài giờ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố về kế hoạch phê chuẩn đơn gia nhập NATO của Thụy Điển, Mỹ cho biết sẽ tiếp nối việc chuyển giao tiêm kích F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại cuộc họp báo hôm 12/7, Tổng thống Erdogan cũng chia sẻ rằng ông “kỳ vọng hơn bao giờ hết” về việc mua chiến đấu cơ F-16. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng ngày bày tỏ tự tin rằng thỏa thuận sẽ diễn ra. Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu muốn mua tiêm kích F-16 để nâng cấp phi đội hiện có của nước này.
Lầu Năm Góc ngày 11/7 thông báo Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Guler về vai trò của Mỹ trong việc hiện đại hoá quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.
Vai trò hòa giải
Tổng thống Erdogan phát biểu rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng vai nhà hòa giải giữa Moskva và Kiev để giúp chấm dứt xung đột Nga-Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022.
Tuy nhiên, hãng TASS (Nga) dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin cho biết Tổng thống Vladimir Putin hiện không có kế hoạch trao đổi với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky tại Istanbul ngày 8/7, ông Erdogan nói: “Chắc chắn Ukraine xứng đáng làm thành viên của NATO”. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời bổ sung rằng Nga và Ukraine cũng nên quay trở lại các vòng đàm phán hòa bình.
Tại hội nghị thượng đỉnh NATO, các bên cũng thảo luận vấn đề Ukraine. Lãnh đạo 31 nước thành viên NATO quyết định không đưa ra lời mời Ukraine gia nhập khối quân sự này, khẳng định Ukraine có thể gia nhập khi được “các nước thành viên đồng ý và các điều kiện được đáp ứng”. Hội nghị cũng không nêu thời hạn hay điều kiện cụ thể để kết nạp Ukraine.