Ngày 24/2, hội nghị "Những người bạn của Xyri" diễn ra tại thủ đô Tuynít của Tuynidi với sự tham gia của hơn 60 ngoại trưởng đã ra tuyên bố cuối cùng yêu cầu chấm dứt ngay lập tức bạo lực và đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với chính quyền ở Xyri.
Tuyên bố viết: "Nhóm Những người bạn kêu gọi Chính phủ Xyri lập tức chấm dứt bạo lực và cho phép Liên hợp quốc (LHQ) và các cơ quan hỗ trợ nhân đạo tiếp cận tự do để phân phát hàng cứu trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi bạo lực". Tuyên bố cũng cho biết sẽ gây sức ép với chính quyền Xyri bằng cách siết chặt các lệnh trừng phạt hiện nay và áp dụng các trừng phạt mới, bao gồm cấm đi lại, phong tỏa tài khoản, ngừng mua dầu, hạ cấp quan hệ ngoại giao và cấm các tàu buôn vũ khí.
Tổng thư ký Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh phụ trách các quốc gia A rập tại vùng Vịnh Abdul Latif Bin Rashid Al Zayani trước Hội nghị, tại Tuynít ngày 23/2. Ảnh: AFP/TTXVN . |
Các quốc gia tham dự hội nghị đã nhất trí công nhận nhóm đối lập Hội đồng Dân tộc Xyri (SNC) là "đại diện hợp pháp" của nhân dân Xyri, song không trao cho nhóm này sự công nhận đầy đủ. Mặt khác, tuyên bố chung cũng không ủng hộ hoàn toàn lời kêu gọi của một số nước Arập về việc huy động một lực lượng gìn giữ hòa bình tại Xyri, mà chỉ "ghi nhận đề nghị của Liên đoàn Arập (AL) về thành lập một lực lượng gìn giữ hòa bình chung giữa LHQ và AL". Tuy nhiên, hội nghị đã nhất trí thành lập một lực lượng gìn giữ hòa bình của AL để đảm bảo ổn định trong quá trình chuyển tiếp dân chủ tại Xyri.
Tổng thống Tuynidi, nước đăng cai hội nghị, ông Moncef Marzouki cho biết, hội nghị đã nhất trí tránh quân sự hóa cuộc xung đột tại Xyri, thay vào đó hướng tới một giải pháp chính trị. Ông cho rằng giải pháp chính trị giống như ở Yêmen là con đường duy nhất để chấm dứt tình hình an ninh và nhân đạo ngày càng xấu đi ở Xyri. Ông đề nghị trao cho Tổng thống Xyri Bashar Al-Assad cùng gia đình quyền miễn truy tố và được phép cư trú chính trị ở Nga để đổi lấy việc ông rời bỏ quyền lực.
Phát biểu tại hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cảnh báo, ông Assad sẽ phải "trả giá đắt" cho việc phớt lờ những lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế. Bà Clinton cũng kêu gọi Nga và Trung Quốc thay đổi quan điểm để Hội đồng Bảo an LHQ sớm có một nghị quyết cho phép thực hiện "những bước đi cần thiết" giải quyết vấn đề Xyri.
Trong khi đó, phát biểu với báo giới tại Oasinhtơn, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định: "Mỹ sẽ tiếp tục gây sức ép và xem xét mọi biện pháp có thể để ngăn chặn bạo lực ở Xyri".
Tại hội nghị, SNC đã kêu gọi vũ trang cho Quân đội Xyri Tự do (SFA), lực lượng gồm hàng nghìn binh sĩ đào ngũ và các phong trào chống Tổng thống Bashar Al-Assad. Arập Xêút đã lên tiếng ủng hộ đề nghị trang bị vũ khí cho phe đối lập tại Xyri.
Ngày 24/2, Tổng Thư ký (TTK) LHQ Ban Ki - moon kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới nhanh chóng hành động để chấm dứt tình trạng bạo lực ở Xyri, đồng thời nhấn mạnh rằng chỉ có giải pháp chính trị mới chấm dứt được khủng hoảng tại Xyri.
TTK Ban Ki Mun cũng yêu cầu nhà chức trách Xyri chấm dứt tình trạng bạo lực, tôn trọng và bảo vệ người dân, trả tự do cho những người bị bắt vô căn cứ, rút lực lượng vũ trang khỏi các thành phố, thị xã... Ông Ban Ki - moon cho biết ông ủng hộ lời kêu gọi của Uỷ ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC) yêu cầu có một khoảng thời gian nhân đạo "tạm ngừng giao tranh" để các tổ chức LHQ và Trăng lưỡi liềm Đỏ Arập tại Xyri có thể phân phát hàng cứu trợ tới người dân. Ông cũng thông báo rằng Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề nhân đạo Valerie Amos sẽ đến thăm Xyri trong thời gian sớm nhất có thể để đàm phán với chính quyền Xyri.
Cùng ngày tại Xyri, ICRC thông báo 11 xe cấp cứu đã được phép tiếp cận quận Baba Amr ở thành phố điểm nóng Homs đang bị bao vây. Hiện 3 xe đã sơ tán 7 người Xyri bị thương trong một cuộc đụng độ, và 20 phụ nữ và trẻ em ra khỏi Baba Amr.
Tuy nhiên, các xe cứu thương vẫn chưa tiếp cận được hai nhà báo phương Tây bị thương và thi thể của hai nhà báo nước ngoài khác. Bộ Ngoại giao Xyri cho biết các nhóm vũ trang ở Homs đã từ chối giao cho chính quyền thi thể hai nhà báo này. Đây là lần đầu tiên các nhân viên cứu hộ được tiếp cận điểm nóng Baba Amr sau 21 ngày xảy ra đụng độ đẫm máu.
TTXVN/Tin tức