Bộ đôi thiết kế thời trang Vin + Omi của Anh đang tìm kiếm những giải pháp sáng tạo và bền vững, trong đó sử dụng mủ cao su có nguồn gốc từ Malaysia. Ngay tại các studio của Vin + Omi ở khu vực Cotswolds, nằm ở trung tâm vùng nông thôn của Anh, thương hiệu thời trang được những người nổi tiếng Michelle Obama, Beyonce và Lady Gaga yêu thích này đã trồng các loại cây có thể phục vụ dệt may, như cây hạt dẻ, cải ngựa. Bộ sưu tập mới nhất của nhà mốt này là những trang phục được làm từ cây tầm ma, lông len an-pa-ca và nhựa tái chế.
Cũng tại Anh, nhà thiết kế Zoe Corsellis tìm cách hạn chế phát thải khí carbon ra môi trường khi cho ra đời những sản phẩm thời trang với các loại vải có nguồn gốc từ Anh và Đức. Các mẫu thiết kế của Corsellis sử dụng bột gỗ, rác thải đại dương và lụa hòa bình. Còn được gọi là lụa Ahimsa, lụa hòa bình không gây hại cho tằm như quy trình sản xuất lụa truyền thống.
Với sự khéo léo của mình, nhà thiết kế người Bỉ Sebastiaan de Neubourg đã biến những chai nhựa, bộ phận chắn bùn của xe ô tô và tủ lạnh cũ thành những chiếc kính thời trang mang thương hiệu W.R.YUMA. Những chiếc kính thân thiện với môi trường này được in bằng máy in 3D sử dụng rác thải nhựa thu gom và nghiền vụn. Phần khung trong suốt làm bằng các chai xô-đa, những bộ phận có màu trắng của tủ lạnh và màu đen của chiếc chắn bùn.
Nhiều người nổi tiếng cũng đang đóng vai trò tích cực trong xu hướng thời trang thân thiện với môi trường. Những nhân vật nổi tiếng Amal Clooney, Công tước xứ Sussex, Meghan Markle và Kim Kardashian West khoác trên mình những “bộ cánh” mang hơi hướng cổ điển (vintage) hơn cũng như tái sử dụng các trang phục – điều hiếm thấy trong giới nghệ sĩ. Gần đây, nữ ca sỹ Billie Eilish đã diện trang phục của thương hiệu thời trang Burberry tái sử dụng vật liệu cũ đến dự sự kiện Giải thưởng âm nhạc Mỹ.
Trong hơn một thập niên qua, nhà thiết kế Stella McCartney đã không ngừng đấu tranh cho thời trang bền vững. Bộ sưu tập mới nhất của nhà thiết kế tiên phong cho cuộc cách mạng thời trang này sử dụng sợi hữu cơ, vải polyester tái chế, vải tổng hợp từ bột gỗ và len có thể tái chế.
Những thương hiệu thời trang trước đây chủ yếu sử dụng lông thú để thiết kế và sản xuất sản phẩm thời trang nay cũng đang xem xét lại hình thức này. Các thương hiệu thời trang cao cấp Burberry, Gucci và Versace lựa chọn vật liệu giả lông thú. Trong khi đó, những nhà mốt khác như Chanel và Victoria Beckham tự nguyện nói “không” với việc sử dụng da động vật.
Mỗi năm, Burberry tiêu hủy lượng quần áo và phụ kiện tồn kho trị giá hàng triệu USD vì không muốn sản phẩm của họ bị bán rẻ hoặc bị đánh cắp. Năm 2018, hãng thời trang cao cấp của nước Anh này đã dừng hoạt động này, tuy nhiên hoạt động này vẫn phổ biến ở nhiều hãng thời trang cao cấp khác trên thế giới.
Chuyên gia về tính bền vững tại tổ chức phi lợi nhuận Oxfam, Fee Gilfeather cảnh báo đến năm 2050, lượng khí thải carbon từ ngành dệt may được dự báo tăng 60%, do đó, mức độ thay đổi trong ngành này cần nhanh hơn và ở quy mô rộng lớn hơn. Trong khi đó, các hãng thời trang như Vin + Omi, kêu gọi người tiêu dùng cũng cần có trách nhiệm hơn vì một ngành thời trang bền vững.