Theo đài Sputnik (Nga), Nam Phi, với tư cách là chủ tịch luân phiên của BRICS, đang chuẩn bị tổ chức Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 tại Trung tâm Hội nghị Sandton, Johannesburg vào ngày 22 – 24/8 sắp tới. Hội nghị năm nay có chủ đề: “BRICS và châu Phi: Quan hệ đối tác vì Tăng trưởng nhanh, Phát triển bền vững và Chủ nghĩa đa phương bao trùm”.
Đây là lần đầu tiên hội nghị BRICS được tổ chức theo hình thức trực tiếp kể từ đại dịch COVID-19 bùng phát. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh các quốc gia thành viên đang nỗ lực hướng tới trật tự thế giới đa cực, mở rộng tầm ảnh hưởng chính trị và tăng tỷ trọng trong GDP toàn cầu, vượt trội so với G7. Hơn nữa, sự trỗi dậy của BRICS đã cho thấy khả năng chuyển dịch quyền lực từ Bắc bán cầu sang Nam bán cầu, thách thức sự thống trị của Mỹ với tư cách là một siêu cường đơn cực.
Những quốc gia sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2023
Các nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu chính phủ của 5 quốc gia thành viên – gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay.
Theo đó, danh sách tham dự bao gồm Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, nước đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên của khối hồi tháng 1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Brazil Lula da Silva và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không trực tiếp tham dự các cuộc họp, nhưng dự kiến tham dự hội nghị thượng đỉnh thông qua hình thức trực tuyến.
Ông Anil Sooklal, đại sứ BRICS của Nam Phi, cho biết Tổng thống Putin sẽ có bài phát biểu trực tuyến tại hội nghị thượng đỉnh BRICS vào ngày 23/8. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov sẽ dẫn đầu phái đoàn nước này tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2023.
Các khách mời của Hội nghị BRICS 2023
Ngoại trưởng Nam Phi Naledi Pandor cho biết với sự hỗ trợ đồng thuận từ những người đồng cấp BRICS, Tổng thống Nam Phi đã mời 67 nhà lãnh đạo từ châu Phi và Nam bán cầu tham dự Đối thoại Liên kết Cộng đồng BRICS - châu Phi và Đối thoại BRICS+. Theo ông Pandor, 20 đại diện của các tổ chức quốc tế cũng đã được mời tham dự hội nghị này.
“Tổng thống Ramaphosa cũng đã mời 20 quan chức – bao gồm Tổng thư ký Liên hợp quốc, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Mới, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Cộng đồng Kinh tế Khu vực châu Phi, các tổ chức tài chính châu Phi, Tổng Thư ký Khu vực Thương mại Tự do Lục địa châu Phi, Ban thư ký và Giám đốc điều hành của Cơ quan Phát triển Liên minh châu Phi”, tuyên bố cho biết.
Đại sứ Sooklal cho biết hiện tại, 41 quốc gia đã xác nhận tham dự hội nghị.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Belarus Anatoly Glaz cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Belarus Sergey Aleinik sẽ tham gia Hội nghị thượng đỉnh BRICS.
“Theo chỉ thị của người đứng đầu nhà nước, phái đoàn của chúng tôi, do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Sergey Aleinik dẫn đầu, sẽ tham dự hội nghị BRICS”, ông Glaz xác nhận và nói thêm rằng nước này sẽ tham gia vào các cuộc Đối thoại Liên kết Cộng đồng BRICS - châu Phi và Đối thoại BRICS+.
Ông Glaz lưu ý đây sẽ là lần đầu tiên Belarus tham gia các sự kiện của Hội nghị thượng đỉnh BRICS. Không có nhà lãnh đạo phương Tây nào được mời tham dự hội nghị này.
Đầu năm nay, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna xác nhận rằng Tổng thống Emmanuel Macron quan tâm đến việc đến Johannesburg để tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS, với tư cách quan sát viên. Tuy nhiên, đề xuất của Paris đã vấp phải phản ứng trái chiều từ BRICS. Trong đó, Nga cho rằng việc Tổng thống Pháp tham dự hội nghị này là “không phù hợp”, do chính sách thù địch của Paris đối với Moskva. Vào đầu tháng này, đã có thông báo chính thức rằng ông Macron sẽ không được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS 2023.
Chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2023
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ được tổ chức trong ngày đầu tiên diễn ra hội nghị (22/8). Tại phiên họp vào buổi tối, các nguyên thủ quốc gia sẽ có bài phát biểu trước những người tham dự hội nghị.
Sau đó, các nhà lãnh đạo BRICS sẽ gặp nhau trong một phiên họp kín. Ông Sooklal nói: “Chương trình nghị sự tại cuộc họp này là cởi mở. Các nhà lãnh đạo có thể trao đổi quan điểm về bất kỳ chủ đề nào mà họ cho là cần thiết”.
Các sự kiện trong ngày 23/8 sẽ được chia thành 2 phiên. Phiên đầu tiên - phiên kín - sẽ kéo dài trong khoảng 1,5 giờ. Trong phiên họp này, lãnh đạo các quốc gia thành viên cùng 10 đại diện của mỗi phái đoàn sẽ thảo luận về các vấn đề địa chính trị, an ninh, tài chính và kinh tế.
Phiên thứ hai – phiên mở – dự kiến kéo dài khoảng 2 giờ. Đặc biệt, phiên họp mở sẽ bao gồm đại diện của Hội đồng Doanh nghiệp, Liên minh Doanh nghiệp Phụ nữ và Ngân hàng Phát triển Mới BRICS, cùng các báo cáo do các tổ chức này trình bày.
Vào cuối hội nghị thượng đỉnh, những người đứng đầu các quốc gia thành viên sẽ thông qua tuyên bố cuối cùng.
Những quốc gia muốn gia nhập BRICS
Trước hội nghị, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết việc mở rộng BRICS là vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự và sẽ được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới ở Nam Phi.
Theo nhà ngoại giao hàng đầu của Nam Phi Naledi Pandor, trên 40 quốc gia đã bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS, trong đó có 23 quốc gia đã chính thức đệ đơn xin gia nhập khối.
Ông Pandor nói: “Chúng tôi đã nhận được yêu cầu chính thức từ các nhà lãnh đạo của 23 quốc gia mong muốn gia nhập BRICS và nhiều cách tiếp cận không chính thức về tiềm năng trở thành thành viên của khối”.
Ông Sooklal cho biết những nước đã chính thức nộp đơn gia nhập BRICS gồm Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Ai Cập, Senegal, Algeria, Ethiopia, Iran và Indonesia. “Danh sách các quốc gia rất dài”, ông Sooklal nói.