Thủ tướng Pháp Manuel Valls:
Khi được hỏi về giải pháp nào để đối phó với những thách thức mà châu Âu đang phải đối mặt hiện nay, Thủ tướng Pháp Manuel Valls cho rằng, châu Âu cần phải đoàn kết hơn. “Lịch sử là khoảnh khắc của sự hội tụ. Tất cả những vấn đề được đề cập trong phần đầu của phiên họp, bao gồm: vấn đề Ukraine, khủng bố, khủng hoảng tị nạn, li khai, không còn điều gì tệ hại hơn việc phải chứng kiến một quốc gia thành viên nào đó phải ra đi. Đó sẽ như một tín hiệu cho các nước khác và dọn đường cho chủ nghĩa dân tuý. Chúng ta cần phải đoàn kết”, người đứng đầu Chính phủ Pháp khẳng định.
Về việc Anh đang phải đối mặt với một cuộc trưng cầu dân ý về việc ở lại hay rời khỏi EU trước năm 2017, ông Valls phát biểu: “Với tư cách là một người Pháp, tôi cho rằng sẽ là một thảm kịch nếu Anh rời khỏi EU.”
Thủ tướng Anh David Cameron:
Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Anh David Cameron bày tỏ mong muốn vận động để nước Anh ở lại một châu Âu được cải cách. Ông Cameron nêu ra 4 ưu tiên cải cách, gồm: tăng cường khả năng cạnh tranh, sự linh hoạt của đồng tiền chung châu Âu (euro), vấn đề chủ quyền, và chính sách kiểm soát đối với dòng người di cư cũng như chế độ phúc lợi. Đồng thời, Thủ tướng Anh cũng bày tỏ sự phản đối về một liên minh chính trị chặt chẽ hơn.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras:
Người đứng đầu chính phủ Hy Lạp cho rằng: “Để tìm được một giải pháp cho các vấn đề của châu Âu hiện nay, chúng ta cần phải đoàn kết hơn. Đây không phải là thời điểm để bàn về sự ra đi, dù là Brexit (khả năng về việc Anh rời EU) hay Grexit (khả năng Hy Lạp rời EU). Không có sự phân biệt nào ở đây. Đây là lúc chúng ta cần phải đoàn kết lại”.
Ông Tsipras cũng nhấn mạnh tới thảm hoạ nhân đạo đang diễn ra trên biển Hy Lạp nơi “nhiều người đã phải bỏ mạng vì những kẻ buôn người chưa bị ngăn chặn”. Đồng thời, ông kêu gọi cần có một cơ chế nhằm giúp phân bổ người tị nạn tới tất cả các quốc gia châu Âu.
Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble:
Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schauble nhấn mạnh cần phải giải quyết vấn đề người tị nạn vào châu Âu từ tận gốc bằng cách đầu tư “hàng tỉ USD vào những khu vực nơi người tị nạn xuất phát di cư”. Bên cạnh đó, ông Schauble cũng nhấn mạnh tới những thách thức về kinh tế trong tương lai dài hạn của châu Âu và cho rằng: “Do tốc độ biến động toàn cầu cũng như tác động của
cuộc Cách mạng Công nghiệp thứ 4, chúng ta phải giúp các nước EU không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh”.
Chủ tịch IMF Christine Lagarde:
Bà Christine Lagarde, chủ tịch Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định sự hoà nhập của dòng người nhập cư hiện nay vào các thị trường lao động ở châu Âu sẽ mang lại tác động tích cực nhưng không nhiều tới GDP của EU. Phát biểu trên được đưa ra sau khi IMF công bố một báo cáo về tác động của cuộc khủng hoảng tị nạn đối với kinh tế châu Âu mới đây.