Mới đây, hãng Sky News của Anh đã đưa tin về khoảnh khắc lực lượng cứu hộ tiếp cận được một bé trai nhỏ tuổi tên là Muhammed Ahmed, người Syria, bị mắc kẹt gần 45 giờ đồng hồ trong đống gạch đá.
Đoạn clip cảm động ghi tại hiện trường cho thấy hình ảnh các nhân viên cứu hộ cẩn thận đổ từng ngụm nước nhỏ ra nắp chai để cho cậu bé uống. Cậu bé bị kẹt cứng từ cổ trở xuống và không thể cử động tay. Cậu bé vừa khóc vừa nhấp từng ngụm nước nhỏ, trong khi tỏ dấu hiệu muốn được uống thêm. (Xem video dưới đây. Nguồn: Twitter)
Thị trưởng thành phố Istanbul Ekrem Imamoglu đã chia sẻ đoạn clip này trên mạng xã hội Twitter với lời khen ngợi: “Khá lắm Muhammed. Đội tìm kiếm và cứu nạn của chúng tôi đã giải cứu công dân người Syria Muhammed Ahmed khỏi đống đổ nát ở Antakya”.
Cùng ngày, hãng thông tấn Anadolu đã chia sẻ đoạn video giải cứu cậu bé Berat, 13 tuổi, bị mắc kẹt 55 giờ đồng hồ ở giữa tâm chấn động đất tại Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ. Do tác động của loạt rung chấn độ lớn 7,7 và 7,6, lực lượng cứu hộ đã phải mất đến 3 giờ “căng não” để đưa được cậu bé ra khỏi khu căn hộ bị sập tan tành. (Xem video dưới đây. Nguồn: Anadolu)
Khi được đưa lên xe cứu thương, Berat vẫn nhận ra người cô Dondu Ozturk và xin đội cứu hộ dừng lại để nói chuyện với cô. Sau đó, cậu bé này đã nhờ cô chăm sóc cho chú chim mà cậu nuôi và cũng có may mắn sống sót giống như cậu. Bật khóc vì mừng vui, cô Dondu Ozturk liên tục nói “Tạ ơn Chúa!".
Hai phép màu trên xuất hiện khi các hy vọng tìm thấy thêm người sống sót bị kẹt trong đống đổ nát đang mờ nhạt dần vì thời gian đã qua 72 giờ vàng đầu tiên. Tính đến chiều 9/2, số nạn nhân tử vong vì động đất tại Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt quá 16.000 người.
Các đội cứu hộ đã vất vả lật tung những khu vực chịu ảnh hưởng của động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria để tìm kiếm thêm dấu hiệu của sự sống. Trận động đất xảy ra sáng 6/2 tại khu vực biên giới hai nước trên là một trong thảm họa động đất kinh hoàng nhất thế giới trong hơn một thập kỷ qua.
Ông Ilan Kelman, Giáo sư nghiên cứu về thảm họa tại Đại học College London, cho biết cơ hội tìm kiếm và cứu hộ sau động đất đang đóng lại nhanh chóng. Ông nói: “Thông thường, rất ít người sống sót được đưa ra ngoài sau 72 giờ. Tuy nhiên, mọi sinh mạng đều đáng cứu và một số người đã được giải thoát sau nhiều ngày”.
Thời gian luôn là kẻ thù trong công tác cứu hộ, như đã thấy ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Các nạn nhân tử vong vì các nhu cầu y tế ngay lập tức như chảy máu đến chết hoặc không chịu nổi vết thương; do dư chấn sau động đất làm sụp đổ thêm các công trình bấp bênh.
Theo ông Ilan Kelman, nhiều người có thể chết vì hạ thân nhiệt do nhiệt độ giảm mạnh hoặc thiếu thức ăn và nước uống trong khi chờ được giải cứu.
Các đội tìm kiếm từ hơn hai chục quốc gia đã tham gia cùng với hàng chục nghìn nhân viên cấp cứu địa phương trong chiến dịch giải cứu diện rộng này. Nhiều chính phủ đã cam kết viện trợ cho hai nước vừa bị động đất tấn công.