Châu Á
Theo tờ Business Insiders, Triều Tiên chưa ghi nhận ca bệnh COVID-19 nào dù Chủ tịch Kim Jong-Un liên tục coi bệnh này là một mối đe dọa tiềm tàng.
Người Triều Tiên vốn đã ít tiếp xúc và đi lại với bên ngoài. Chính phủ nước này đã đóng cửa biên giới vào tháng 1, thực hiện các biện pháp như cách ly thị trấn vùng biên để tìm cách ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập.
Một quốc gia châu Á khác chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 nào là Turkmenistan, nhưng các chuyên gia tỏ ra hoài nghi điều này.
Turkmenistan từng đưa ra những tuyên bố như không có người dân nào mắc HIV/AIDS – điều mà các chuyên gia cho là không thể.
Tuy nhiên, Turkmenistan đã hạn chế đi lại từ sớm khi bùng phát đại dịch toàn cầu. Bản thân Turkmenistan cũng là một trong những quốc gia mà người ngoài khó tới nhất. Điều này có thể đã giúp quốc gia Trung Á tránh dịch COVID-19.
Châu Đại Dương
Palau có khoảng 18.000 dân và chưa có ca mắc COVID-19 nào.
Bộ trưởng Y tế Palau đã đưa ra hướng dẫn để người dân có thể tự bảo vệ bản thân trước dịch bệnh. Hướng dẫn có đoạn: “Mặc dù chúng tôi không muốn làm người dân hoảng sợ, nhưng chúng ta cần cảnh giác và cẩn thận, thực hành các biện pháp phòng ngừa như đã khuyến nghị, gồm rửa tay thường xuyên, thực hiện quy tắc vệ sinh hô hấp, giãn cách xã hội và chuẩn bị tinh thần như thể chúng ta sẽ có ca mắc đầu tiên”. Du khách tới Palau cũng phải cách ly từ khi tới.
Tương tự Palau, Samoa có dân số 200.000 người chưa có ca mắc COVID-19. Samoa đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp và đóng cửa biên giới hồi tháng 3, chặn cả tàu và thuyền vào nước này. Samoa cho biết sẽ đóng cửa cho tới khi có thông báo thêm để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập.
Những người được phép vào Samoa trong một số trường hợp đặc biệt phải tuân thủ một loạt quy định, phải kiểm tra sức khỏe và cách ly.
Quần đảo Marshall có 60.000 dân và Tuvalu với gần 12.000 dân chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 nào.
Trong khi đó, Quần đảo Solomon đã hạn chế nhập cảnh từ sớm. Quốc gia này đang tìm cách để thu hút du khách trở lại mà không mang theo virus vào.
Dù chưa có ca COVID-19 nào nhưng Vanuatu đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp hồi tháng ba và có hiệu lực tới cuối năm 2020. Chính phủ Vanuatu vẫn đang trong giai đoạn kiềm chế dịch bệnh theo kế hoạch. Điều đó có nghĩa là chính phủ đặt mục tiêu ngăn virus vào Vanuatu và cách ly bất kỳ ai trong nước nhiễm virus.
Tại Tonga, trong số trên 100.000 dân, chưa có ai mắc COVID-19. Từ tháng 3, Tonga đã cách ly, thực hiện giờ giới nghiêm, cấm tụ tập đông người và cấm các môn thể thao có tiếp xúc, kêu gọi giãn cách xã hội nếu virus xâm nhập. Tonga đã đóng cửa biên giới với các chuyến bay và du thuyền từ tháng ba. Nước này có một ca nghi mắc COVID-19 đầu tháng nhưng về sau xác nhận người này không nhiễm virus.
Trong số trên 110.000 dân Kiribati, chưa ai mắc COVID-19. Theo quy định của nước này, người tới từ các quốc gia đang có dịch lây lan trong cộng đồng sẽ phải cách ly ít nhất 14 ngày ở một quốc gia không có virus rồi mới được tới Kiribati, đồng thời họ phải cung cấp bằng chứng y tế xác nhận không nhiễm virus.
Liên bang Micronesia với trên 600 đảo đã đóng cửa biên giới để ngăn chặn virus xâm nhập. Đội đặc nhiệm chống COVID-19 của nước này đã diễn tập mô phỏng để đánh giá mức độ sẵn sàng xử lý nếu có dịch bùng phát. Người dân nước này khi hồi hương cũng phải cách ly.
Dù Nauru với trên 10.000 dân chưa có ca mắc COVID-19 nhưng chính phủ vẫn lo ngại vì số ca bệnh khu vực xung quanh tăng nhanh như ở Australia và New Zealand.
Quần đảo Cooks (New Zealand) đã đóng cửa biên giới từ giữa tháng 8 sau khi New Zealand ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng trở lại.
Thủ tướng Henry Puna nói: “Chúng tôi đang thực hiện các biện pháp rất nghiêm túc để bảo vệ người dân và kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh chết người xâm nhập”.
Đầu tuần nay, cựu Thủ tướng Joseph Williams phải nhập viện vì mắc COVID-19 nhưng lúc đó ông đang ở New Zealand.
Nieu cũng chưa có ca COVID-19 nào. Nieu là một trong những quốc gia nhỏ nhất thế giới với dân số chưa đầy 2.000 người và cũng có mối liên hệ chặt chẽ với New Zealand.