Theo đài truyền hình CNN, ngày 23/3, Giám đốc điều hành TikTok Shou Zi Chew xuất hiện trong phiên điều trần trước các nhà lập pháp Mỹ, với mục đích thuyết phục các quan chức từ bỏ suy nghĩ cấm ứng dụng này do lo ngại an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích và chuyên gia pháp lý, việc bán TikTok cho các nhà đầu tư Mỹ là điều không thể xảy ra, đặc biệt là sau khi chính phủ Trung Quốc coi công nghệ của TikTok là nhạy cảm và đã có những bước đi từ năm 2020 nhằm đảm bảo Bắc Kinh có quyền phủ quyết bất kỳ giao dịch mua bán nào của ByteDance – chủ sở hữu của TikTok.
Chính phủ Trung Quốc coi một số công nghệ tiên tiến, bao gồm các thuật toán đề xuất nội dung, là rất quan trọng đối với lợi ích quốc gia. Vào tháng 12/2022, các quan chức Trung Quốc đã đề xuất siết chặt các quy định liên quan đến các hoạt động bán công nghệ cho người mua nước ngoài.
Brock Silvers, Giám đốc đầu tư của quỹ bất động sản Kaiyuan Capital, cho biết: “Tất nhiên Bắc Kinh không có tiếng nói trong quyết định TikTok của Mỹ nhưng họ sẽ giữ quyền phê duyệt cuối cùng đối với việc mua bán như vậy. Dường như Bắc Kinh sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào mà khiến thuật toán của TikTok ra khỏi tầm kiểm soát của họ”.
Các thuật toán của TikTok đề xuất video hấp dẫn cho người dùng được cho là chìa khóa thành công của nền tảng. Dựa trên hành vi của người dùng, các thuật toán đưa ra các đề xuất video mới làm người dùng tiếp tục “dán mắt” vào màn hình.
Tháng 8/2020, sau khi chính quyền Tổng thống Trump đe dọa sẽ cấm TikTok trừ khi bán lại cho Mỹ, các nhà quản lý Trung Quốc đã lần đầu tiên bổ sung các thuật toán vào danh sách công nghệ bị hạn chế trở thành sản phẩm mua bán đối với người mua nước ngoài.
Trong một bài viết trên Tân Hoa Xã mới đây, Cui Fan - một giáo sư chuyên về thương mại tại Đại học Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế - cho biết các quy định bổ sung đồng nghĩa với việc ByteDance sẽ cần giấy phép của chính quyền Bắc Kinh trong việc bán công nghệ thuật toán.
“Một số công nghệ tiên tiến có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và lợi ích xã hội, chính vì vậy chúng cần được đưa vào quản lý kiểm soát xuất khẩu”, Giáo sư Cui Fan nói với Tân Hoa Xã.
Sau khi chính phủ Trung Quốc bổ sung quy định hạn chế xuất khẩu đối với công nghệ thuật toán, thương vụ TikTok dự định bán cho Oracle và Walmart vào năm 2020 gặp trở ngại.
Giờ đây, công ty này một lần nữa bị cuốn vào một cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa Washington và Bắc Kinh.
Alex Capri, một nhà nghiên cứu tại Quỹ Hinrich, cho biết: “Các phiên điều trần của TikTok ở Mỹ đánh dấu sự khởi đầu cho các biện pháp hạn chế đối với tất cả các công ty công nghệ Trung Quốc sau này. Tôi không nhìn thấy tương lai Bắc Kinh để các công nghệ như thuật toán TikTok rơi vào tay Washington”.
Tuần trước, một quan chức cấp cao thuộc cơ quan quản lý truyền thông kỹ thuật số và truyền thông của Trung Quốc đã đến văn phòng của Bytedance. Theo một thông báo mà cơ quan quản lý đăng trên website, nhà chức trách kêu gọi công ty cải thiện việc sử dụng thuật toán đề xuất để truyền năng lượng tích cực và tăng cường đánh giá nội dung trực tuyến.
Chuyến thăm nêu bật quyết tâm của Bắc Kinh trong việc kiểm soát chặt chẽ các công ty công nghệ lớn mạnh nhất của nước này.
Theo nền tảng dữ liệu kinh doanh Qichacha, tháng 4/2021, một tổ chức chính phủ Trung Quốc đã mua lại 1% cổ phần ưu tiên trong một công ty con của ByteDance ở Bắc Kinh. Công ty con này kiểm soát giấy phép hoạt động của Douyin, ứng dụng chị em của TikTok tại Trung Quốc và Toutiao, một ứng dụng tổng hợp tin tức.
Tháng 3/2022, Cục Quản lý Không gian mạng đề ra một quy định chưa từng có, yêu cầu các công ty Internet phải đăng ký thuật toán đề xuất với mình.
Winston Ma, giáo sư trợ giảng tại Đại học Luật New York, cho biết sự xuất hiện của các quy tắc mới cho thấy các thuật toán đề xuất của TikTok sẽ chịu sự kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc.
Về phần mình, TikTok đang dựng lên các rào cản về mặt kỹ thuật và tổ chức nhằm trấn an những nhà quản lý phương Tây rằng sẽ giữ an toàn dữ liệu người dùng.
Theo Dự án Texas, chính phủ Mỹ và các công ty bên thứ ba như Oracle sẽ được phép giám sát ở một mức độ nào đó đối với các hoạt động dữ liệu của TikTok. TikTok đang thực hiện một kế hoạch tương tự cho Liên minh châu Âu có tên là Dự án Clover.
Tuy nhiên, động thái đó không làm các quan chức Mỹ yên tâm. Ông Capri chỉ ra ngay cả khi TikTok được bán cho một công ty bên Mỹ, những lo ngại sẽ vẫn còn.
“Việc thay đổi quyền sở hữu của TikTok chẳng giải quyết được gì. Vấn đề thực sự là cách bảo mật dữ liệu chung và ai là người cuối cùng có quyền truy cập vào dữ liệu”, chuyên gia Capri kết luận.