Hàng loạt kết quả thăm dò, số liệu kinh tế cập nhật đã cho thấy nhiều gam màu tươi mới và tín hiệu khởi sắc trong bối cảnh Mỹ chờ đón nhiệm kỳ tổng thống sắp tới của ông Donald Trump. Tuy nhiên, cũng có cả gam màu tối với những tín hiệu không mấy khả quan trên thị trường lao động.
Ngày 5/12, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cho công bố Sách Beige tháng 11, có tên chính thức là “Tóm tắt các bình luận về tình trạng kinh tế hiện tại” - tập hợp toàn bộ số liệu kinh tế, đi kèm phân tích, đánh giá của giới chuyên gia từ tất cả 12 chi nhánh khu vực trực thuộc Fed về nền kinh tế nước này.
Theo Sách Beige tháng 11, hoạt động kinh tế nhìn chung tăng nhẹ ở hầu hết các khu vực và chỉ có hai khu vực đồ thị tăng trưởng đi ngang hoặc giảm nhẹ. Giới chuyên gia cho rằng một tín hiệu khởi sắc khác của kinh tế Mỹ - đó là việc dù tăng trưởng chưa thật sự bứt phá, song kỳ vọng của các thị trường chủ chốt đều cho thấy tâm lý lạc quan hơn và chi tiêu tiêu dùng, vốn là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế Mỹ, đang tăng đều đặn khi mùa mua sắm tới gần.
Lạm phát trong tháng 11 vừa qua có tăng đôi chút nhưng vẫn trong ngưỡng kiểm soát, tăng trưởng tiền lương hợp lý và được kỳ vọng sẽ duy trì ổn định trong những tháng tới. Tài liệu của Fed cho biết thêm các doanh nghiệp đang duy trì mức tăng lương như dự kiến, thị trường lao động vẫn giữ được đà trong bối cảnh kinh tế Mỹ còn nhiều rủi ro.
Ông Christopher Waller, ủy viên Hội đồng Thống đốc của Fed và là một thành viên Ủy ban thị trường mở liên bang, cho rằng tỷ lệ lạm phát có thể sẽ neo ở mức trên 2% một thời gian nữa. Tuy nhiên, đây không phải là rủi ro và lạm phát về trung hạn sẽ dần giảm xuống mức mục tiêu 2%.
Sách Beige cũng cho thấy những sắc màu tương phản khác của bức tranh kinh tế Mỹ cuối năm 2024. Theo đó, thị trường lao động đang chứng kiến các cơn gió nghịch khi số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới tăng nhẹ trong tuần cuối cùng của tháng 11. Báo cáo công bố ngày 4/12 của Bộ Lao động Mỹ cho biết số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã tăng thêm 9.000 đơn lên mức 224.000 tính trên phạm vi toàn quốc, cao hơn mức dự báo 215.000 đơn của giới phân tích, và tỷ lệ thất nghiệp có nguy cơ vượt ngưỡng 4%. Hoạt động tuyển dụng không chỉ chậm lại, mà doanh thu của nhiều công ty và thu nhập tiền lương của người lao động cũng “giậm chân tại chỗ”.
Ông Samuel Tombs, kinh tế gia trưởng tại tổ chức tài chính Pantheon Macroeconomics, đánh giá “số đơn xin trợ cấp đã cao tới mức đủ để đẩy tỷ lệ thất nghiệp gia tăng do tình hình tuyển dụng đang khá ảm đạm”. Một “nỗi ám ảnh” khác đang ghìm bước tiến của nền kinh tế Mỹ đó là "bóng ma" thuế quan. Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tuyên bố sẽ tiến hành hàng loạt điều chỉnh thuế doanh nghiệp, thuế cá nhân và thuế nhập khẩu ngay khi ông nhận nhiệm sở ngày 20/1/2025 tới.
Viễn cảnh ấy gây lo ngại cho nhiều doanh nghiệp Mỹ. Theo số liệu của một số chi nhánh Fed, quý IV/2024 vừa chứng kiến tỷ lệ lạm phát tăng từ 3% lên mức 3,3%, và tỷ lệ này có thể còn tăng tiếp một khi các chính sách thuế quan mới gây biến động lớn cho nền kinh tế. Các chuyên gia bày tỏ quan ngại giá cả nhiều mặt hàng sẽ tăng khi chính quyền Tổng thống Trump áp các mức thuế mới, qua đó gây thêm áp lực cho túi tiền của người dân.
Trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng nhẹ song song với nhiều trở ngại như hiện nay, các thị trường và giới đầu tư kỳ vọng vào viễn cảnh Fed sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ vào cuối tháng này, với mức cắt giảm lãi suất là 0,25 điểm phần trăm. Trong bối cảnh lạm phát quay đầu tăng nhẹ, Fed cũng đối mặt với thách thức phải cân bằng giữa đường lối tăng trưởng kinh tế và ổn định giá cả.
Công cụ FedWatch của Sàn giao dịch Hàng hóa Chicago (CME), vốn được coi là “một hàn thử biểu” cho kỳ vọng của thị trường đối với chính sách lãi suất của Fed, cho thấy các thị trường tin (mức độ lên tới 77,5%) rằng Fed sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào cuối tháng 12.
Ấn phẩm Sách Beige đã phác họa bức tranh khá toàn cảnh về kinh tế Mỹ hiện nay. Dù còn không ít khó khăn, song nhìn chung các số liệu cho thấy triển vọng tích cực của nền kinh tế đầu tàu thế giới. Song Fed luôn hoạch định chính sách tiền tệ vì lợi ích chung của cả nền kinh tế Mỹ, chứ không phải chỉ dựa trên số liệu của 12 chi nhánh khu vực như phản ánh trong các ấn phẩm định kỳ của Sách Beige.
Do đó, còn quá sớm để đánh giá các thông tin kinh tế - thị trường trong Sách Beige tháng 11 sẽ ảnh hưởng nhiều tới việc định hình chính sách của Fed trong ngắn hạn hay tác động trực tiếp tới việc ngân hàng trung ương Mỹ tiến hành thêm đợt cắt giảm lãi suất thứ ba liên tiếp sau cuộc họp ngày 17 - 18/12 tới. Theo các chuyên gia, khi đưa ra quyết định lãi suất trong cuộc họp cuối cùng của năm 2024, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Fed sẽ gặp một số khó khăn.
Đó là sự chênh lệch ngày càng gia tăng giữa một bộ phận lớn của nền kinh tế đã trụ vững qua chiến dịch chống lạm phát của Fed và một phần quan trọng khác của bức tranh kinh tế không có được sự vững vàng như vậy. Các quan chức Fed trong các bài phát biểu gần đây tin rằng chi phí vay vẫn còn quá cao, tác động tới những người có thu nhập thấp, điều đó có nghĩa là Fed có thể sẽ thực hiện thêm một vài lần cắt giảm lãi suất để giảm bớt sự kìm kẹp đối với nền kinh tế.