Nguyên nhân khiến tàu chìm hiện vẫn là câu hỏi để ngỏ. Giới chức Ukraine cho biết quân đội nước này đã tập kích soái hạm Nga bằng thiết bị bay không người lái Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo, làm hỏng hệ thống radar theo dõi trên tàu. Kế đến là đòn tấn công bằng tên lửa hành trình.
Theo mô tả của phía Ukraine, hai tên lửa hành trình Neptune đã bắn trúng tàu Nga. Tên lửa này do Ukraine nghiên cứu, phát triển và được đưa vào sử dụng hồi tháng 8/2020, với tầm bắn khoảng 300km và có thể mang đầu đạn nặng 150kg.
Về phần mình, Bộ Quốc phòng Nga nói đã xảy ra một vụ cháy trên tàu, làm nổ kho đạn trên con tàu có từ thời Liên Xô. Họ cho biết nguyên nhân vụ hỏa hoạn vẫn đang được điều tra. Bộ này không đề cập đến thông tin con tàu bị tên lửa Ukraine tấn công. "Con tàu đã bị hư hại nghiêm trọng", Bộ Quốc phòng Nga thông báo, đồng thời cho biết hơn 500 thủy thủ trên con tàu đã được sơ tán.
Giới chức Nga cho biết ngọn lửa trên tàu đã được dập tắt, phong tỏa và kho đạn không còn phát nổ nữa. Họ cũng cho biết hải quân Nga sẽ kéo tàu vào cảng. Ông Dmitry Peskov, Phát ngôn viên điện Kremlin, cho biết Tổng thống Nga Vladimir đã được thông báo về vụ việc.
Đến cuối ngày 14/4, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận rằng con tàu đã chìm trong lúc được kéo vào cảng trong điều kiện thời tiết gió bão, tàu bị mất ổn định do thân tàu bị hư hỏng.
Từ Mỹ, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby nói với Đài CNN rằng một vụ cháy trên tàu hay một cuộc tấn công tên lửa của Ukraine đều có thể xảy ra trong vụ việc này. Các nguồn tin khác cho biết mây bao phủ khiến việc chụp ảnh vệ tinh không hiệu quả vào thời điểm xảy ra sự cố.
Những tác động thực chất từ vụ soái hạm Moskva chìm ở Biển Đen
Chiến hạm Moskva có lượng giãn nước 12.500 tấn, được trang bị nhiều tên lửa chống hạm, tên lửa phòng không. Moskva là tuần dương hạm lớp Slava duy nhất của Hạm đội Biển Đen. Hải quân Nga còn hai chiến hạm tương tự là Marshal Ustinov và Varyag, lần lượt được biên chế trong hạm đội Biển Bắc và hạm đội Thái Bình Dương.
Tuần dương hạm Moskva được thiết kế và đóng mới tại nhà máy đóng tàu Mykolai ở Ukraine thuộc Liên Xô vào năm 1979. Mục đích chính của dự án này là chống nhóm tàu sân bay của Mỹ, tạo năng lực phòng vệ đường không cho tàu chiến Liên Xô hoạt động trên các vùng biển xa. Tại thời điểm đó, tàu chiến Moskva được mệnh danh là “sát thủ diệt tàu sân bay”.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (IOW) có trụ sở ở Mỹ, cơ quan chuyên theo dõi diễn biến xung đột Ukraine, nói rằng chưa thể đánh giá rằng chiến hạm Moskva bị chìm do trúng tên lửa Ukraine hay do sự cố khác.
Xét dưới góc độ quân sự, việc mất soái hạm Moskva không phải quá nghiêm trọng với Nga. Theo IOW, tuần dương hạm này chủ yếu được sử dụng để thực hiện các vụ tấn công bằng tên lửa hành trình Kalibr nhằm vào các cơ sở, mục tiêu quân sự của Ukraine, như các trung tâm hậu cần, đường băng sân bay.
“Các đợt phóng tên lửa Kalibr của Nga từ tàu chiến cũng có hiệu quả, nhưng số lượng hạn chế hơn nhiều so với không kích bằng máy bay ném bom. Việc chiến hạm Moskva bị chìm không phải là tổn thất lớn”, IOW nhận định.
Giới chuyên gia quân sự Nga cũng có đánh giá tương tự. “Con tàu này thực sự đã rất cũ. Trên thực tế, Nga đã có kế hoạch loại bỏ nó trong 5 năm tới… Con tàu chủ yếu có giá trị biểu tượng, mang ý nghĩa tôn vinh hơn là giá trị thực chiến. Nhìn chung, việc con tàu chìm sẽ không ảnh hưởng đến chiến dịch quân sự hiện tại”, nhà phân tích quân sự Nga Alexander Khramchikhin chia sẻ với hãng tin Reuters.
Soái hạm Moskva đã tham gia vào chiến dịch phong tỏa hải quân Ukraine vào tháng 3/2014 trong thời gian ngắn, khi bán đảo Crimea của Nga sáp nhập vào Nga. Năm 2015, tàu được điều động tới bờ biển Syria, hỗ trợ chiến dịch quân sự của Nga tại quốc gia Trung Đông này, tạo ra lưới bảo vệ phòng không cho các lực lượng Nga đóng ở Syria.