Là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba thế giới, sản lượng của Nga là 10,5 triệu thùng mỗi ngày, tức 11% tổng sản lượng toàn cầu. Theo ước tính của Chính phủ Anh, con số này tương đương với 44% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của Nga, chiếm 17% tổng doanh thu thuế của chính quyền Liên bang Nga.
Hiện trên thế giới chỉ có hai quốc gia là Mỹ và Saudi Arabia sở hữu sản lượng “vàng đen” lớn hơn Nga. Đó là lý do tại sao Tổng thống Joe Biden khẳng định lệnh trừng phạt nhằm vào ngành dầu mỏ đồng nghĩa với việc đánh vào "huyết mạch chính" của nền kinh tế Nga. Những đòn trừng phạt này sẽ tác động mạnh đối với Nga vì Mỹ đang là nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Cụ thể, Nhà Trắng lý giải lệnh cấm nhập khẩu sẽ tước đi hàng tỷ USD doanh thu của Nga tại thị trường Mỹ mỗi năm. Năm ngoái, Mỹ nhập khẩu gần 700.000 thùng dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ tinh chế từ Nga mỗi ngày. Con số này chiếm khoảng 3% xuất khẩu của Nga.
Và theo Nhà Trắng, Mỹ là nước có khả năng tự chủ về các nguồn năng lượng nên không phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung cấp dầu mỏ từ Nga như các đồng minh khác.
Trong khi đó, Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu - là quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào Nga về năng lượng, với lượng nhập khẩu dầu của Nga chiếm đến 30% nhu cầu tiêu thụ.
Theo số liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Pháp và Italy đều có lượng dầu nhập khẩu từ Nga tương đương với 13% nhu cầu sử dụng, tiếp theo là Anh (11%), Hàn Quốc (9%) và Mỹ (7%).
Để các biện pháp trừng phạt của Mỹ đạt hiệu quả mạnh nhất, những khách hàng lớn của Nga cần phải thực hiện nghiêm các chế tài. Thế nhưng, không giống những nỗ lực trước đây của Washington nhằm cô lập một số nước sản xuất dầu mỏ - chẳng hạn như Iran - Mỹ lần này không đe dọa trừng phạt các thực thể nước ngoài đang tiếp tục mua dầu của Nga.
Trên thực tế, Tổng thống Biden thể hiện sự cảm thông với các đồng minh, vì cho rằng các nước này đang phải phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga nên có thể không chung lập trường với Mỹ.
Các nước châu Âu cũng đã bày tỏ mong muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng Nga, song điều này cần thêm nhiều thời gian hơn. Đối với Anh, các doanh nghiệp và chuỗi cung ứng cần thời gian là 9 tháng để thực hiện quá trình chuyển đổi nhà cung cấp năng lượng.
Giới chuyên gia cho rằng động thái này có thể làm mờ đi triển vọng của nền kinh tế Nga trong năm tới, nhưng dường như ít tác động trực tiếp đến chiến dịch quân sự ngắn hạn của nước này tại Ukraine.
Ngoài ra, các nhà phân tích còn quan ngại quyết định trên của Mỹ sẽ làm gia tăng sức ép lên nền kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh thế giới đã phải trải qua việc thiếu hụt nguồn cung và giá cả leo thang do tác động của đại dịch COVID-19. Giá xăng tại Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục, đẩy lạm phát lên mức cao nhất trong vòng 40 năm qua.
Phó Thủ tướng NgaAlexander Novak hôm 7/3 cảnh báo chính sách cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng đối với thị trường toàn cầu, theo đó giá dầu sẽ tăng tới mức không thể dự đoán được, thậm chí lên đến 300 USD/thùng.