Song các vụ tai nạn gần đây liên quan đến xe trượt điện đã làm dấy lên sự bất bình của công chúng, trong đó có một số vụ cháy do các thiết bị sạc và cái chết của một người đi xe đạp cao tuổi trong vụ tai nạn xảy ra hồi tháng 9 năm nay.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Singapore buộc phải can thiệp và thắt chặt quản lý những phương tiện đời mới này. Xe trượt điện vốn đã bị cấm trên các đường phố của Singapore, nhưng Cơ quan Giao thông của nước này cho biết loại phương tiện hai bánh này sẽ bị cấm trên tất cả các lối đi bộ. Chúng chỉ có thể được sử dụng trên các tuyến đường dành cho xe đạp và một mạng lưới các tuyến đường kết nối giữa các công viên.
Điều này làm giảm đáng kể những khu vực mà người dân Singapore có thể sử dụng các loại xe trượt điện. Hiện Singapore có khoảng 440 km đường dành riêng cho xe đạp so với 5.500 km đường vỉa hè. Tuy nhiên, các quan chức cho biết các đường cho xe đạp sẽ được mở rộng lên 750 km vào năm 2025.
Quy định mới cũng cho biết hầu hết các lái xe trượt điện bị bắt gặp sử dụng lối đi bộ sẽ chỉ bị cảnh cáo trong giai đoạn từ nay đến cuối năm. Nhưng luật sẽ được thắt chặt hơn kể từ ngày 1/1/2020, với những người vi phạm phải đối mặt với án tù lên tới hai tháng và mức phạt tối đa 2.000 SGD (tương đương 1.500 USD).
Những quyết định trên của giới lập pháp đã khiến các nhà quan sát ngạc nhiên, sau khi một hội đồng tư vấn cho Chính phủ khuyến nghị về các biện pháp nhẹ tay hơn, chẳng hạn như một bài kiểm tra lý thuyết bắt buộc.
Sau thông báo trên của Chính phủ, công ty cung cấp dịch vụ gọi xe qua ứng dụng di động Grab cho biết họ sẽ tạm dừng các chương trình chia sẻ xe trượt điện tại Singapore. Phía Chính phủ cũng cho biết họ sẽ từ chối cấp phép cho các chương trình dịch vụ tương tự từ các công ty khác.
Nhiều người ủng hộ những biện pháp thắt chặt quản lý của Chính phủ, nhưng chúng cũng khiến những người yêu thích xe trượt điện ở Singapore cảm thấy không bằng lòng.
Một số người chỉ trích rằng các chính sách mới là “quá đà”, thậm chí đề cập tới việc tại sao không cấm luôn ô tô trên đường phố khi phương tiện này cũng gây tai nạn chết người. Họ cũng tỏ ra khá phiền lòng khi giờ đây phải sử dụng phương tiện giao thông công cộng để di chuyển tới nơi làm việc, vốn có thể tốn thời gian gấp đôi so với việc sử dụng xe trượt điện.
Bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ các quy tắc mới của Singapore có lẽ là những người sử dụng xe trượt điện để giao đồ ăn trên toàn thành phố cho các công ty như Deliveroo, Grab và Foodpanda, mặc dù Chính quyền đã tiến hành một số biện pháp để giúp đỡ họ chuyển đổi sang những phương tiện khác.
Trong tuần này Bộ Giao thông Singapore cho biết Chính phủ và các công ty sẽ cấp các khoản hỗ trợ tài chính cho người đang dùng xe trượt điện để chuyển sang các phương tiện khác, khác bao gồm cả xe đạp thường và xe đạp điện.
Tuy nhiên, một số người đang làm công việc giao đồ ăn cho biết việc đổi sang một chiếc xe đạp thường đồng nghĩa thu nhập của họ sẽ bị ảnh hưởng. Lý do là vì đi xe đạp thường sẽ nhanh mệt hơn, và họ anh ấy có thể hoàn thành ít đơn hàng hơn.
Singapore là cái tên mới nhất trong danh sách các quốc gia đang cố gắng kiểm soát xe trượt điện. Trước đó, Chính phủ Pháp hồi cuối tháng Mười đã ban hành các quy tắc mới về phương tiện này, bao gồm lệnh cấm sử dụng chúng trên hè phố - trừ khi một thành phố cho phép chúng ở một số khu vực nhất định - và giới hạn tốc độ 25 km/giờ. Chính phủ Đức cũng không cho phép xe trượt điện chạy trên hè phố, trong khi Vương quốc Anh lại “mạnh tay” cấm hoàn toàn loại xe này trừ khi người sử dụng có giấy phép lái xe, bảo hiểm, nộp thuế đường bộ, mũ bảo hiểm và có biển số.