Hôm nay (9/7), Nam Xuđăng chính thức tuyên bố độc lập, trở thành quốc gia trẻ nhất thế giới. Lễ công bố độc lập của Nam Xuđăng sẽ diễn ra tại thủ đô Giuba, dưới sự chủ trì của Tổng thống Salva Kiir và trước sự chứng kiến của hàng chục nhà lãnh đạo trên thế giới, trong đó có Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và có thể cả Tổng thống Xuđăng Omar al-Bashir.
Lực lượng an ninh miền Nam Xuđăng diễn tập tại Juba ngày 7/7, chuẩn bị cho lễ độc lập. AFP/TTXVN |
Sự độc lập của Nam Xuđăng là kết quả của thỏa thuận hòa bình do hai miền bắc và nam Xuđăng ký kết năm 2005, chấm dứt nửa thế kỷ nội chiến cướp đi sinh mạng của hơn 2 triệu người.
Phía sau niềm vui được độc lập là một tương lai đầy rẫy khó khăn đang chờ đợi quốc gia non trẻ nhất thế giới này.
Theo đánh giá của Lise Grande, người đứng đầu các hoạt động nhân đạo của LHQ ở Nam Xuđăng, Nam Xuđăng là một trong những khu vực kém phát triển nhất trên thế giới, chỉ có 15% dân số biết đọc và phần lớn trong tổng số hơn 8 triệu dân của nước này có mức sống 1 USD/ngày trong khi các cơ sở giáo dục và chăm sóc sức khỏe thì “cực kỳ tồi tàn”. Cả đất nước Nam Xuđăng chỉ có vài trường trung học (trong khi số người dưới 18 tuổi chiếm 51% dân số), khoảng 50 km đường rải nhựa và không có một máy rút tiền tự động nào. Bên cạnh đó, nạn bạo lực lan tràn với các vụ cướp bóc và giao tranh giữa các nhóm phiến quân diễn ra như cơm bữa. Theo ước tính đã có gần 2.400 người phải bỏ mạng vì bạo lực tính từ đầu năm đến nay.
Giới phân tích cho rằng, về đối nội, chính phủ non trẻ ở Nam Xuđăng cần ưu tiên những nhiệm vụ như cải cách quân đội (vốn bị xem như đội quân cướp bóc), đa dạng hóa nền kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào dầu mỏ và chia sẻ quyền lực cũng như giải quyết bất đồng giữa hàng chục dân tộc và phe phái quân sự.
Tuy nhiên, nguy cơ lớn nhất mà Nam Xuđăng đang phải đối mặt là khả năng tái diễn xung đột với miền bắc. Awad-Essid Al Karsany, Giáo sư khoa học chính trị thuộc Đại học Khartoum cho rằng: “Có rất nhiều vấn đề có thể làm gia tăng căng thẳng giữa hai quốc gia – Xuđăng và Nam Xuđăng – thậm chí có thể khiến chiến tranh tái diễn”.
Trước hết là vấn đề phân định biên giới. So với các nước láng giềng khác, biên giới của Xuđăng với Nam Xuđăng là dài nhất, hơn 2.000 km và hiện hai bên vẫn đang bất đồng ý kiến về 5 điểm trên đường biên giới này. Theo Giáo sư Al Karsany, vấn đề biên giới nếu không được giải quyết dứt điểm có thể trở thành ngòi nổ cho một cuộc xung đột đẫm máu.
Thêm một khó khăn nữa là việc giải quyết tranh chấp về Abyei – khu vực giàu dầu mỏ nằm giữa hai miền nam – bắc Xuđăng và có nhiều mối quan hệ dân cư đan xen phức tạp. Chuyên gia Al Karsany cho rằng, nếu các chính phủ Xuđăng và Nam Xuđăng không nhanh chóng đạt được một giải pháp chính trị toàn diện cho vấn đề Abyei thì một cuộc xung đột gay gắt hay căng thẳng kéo dài là điều hoàn toàn có thể xảy ra với hai nước láng giềng châu Phi này. Trong khi đó, cuộc thương lượng kéo dài nhiều năm nay về Abyei chưa đạt được tiến triển nào và cả hai phía đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nhượng bộ.
Đáng lo ngại nhất là vấn đề dầu lửa. Nam Xuđăng sở hữu nhiều dầu mỏ, nhưng theo những dàn xếp gần đây, Nam Xuđăng phải vận chuyển dầu thô qua đường ống dẫn dầu của miền bắc và cảng biển duy nhất nằm trên bờ biển Đỏ thuộc miền bắc. Cho đến nay, hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận về phí sử dụng đường ống dẫn dầu mà Nam Xuđăng phải trả cho Xuđăng cũng như về việc quản lý những mỏ dầu nằm ở biên giới hai miền. Nếu không đạt được thỏa thuận nào trong vấn đề này, khả năng xung đột và những vụ va chạm nhỏ lẻ giữa hai bên sẽ xảy ra, đặc biệt nếu Xuđăng thực hiện lời đe dọa chặn các đường ống dẫn dầu để buộc Nam Xuđăng phải nhượng bộ.
A.M