Những thách thức Mexico phải đối mặt trong tái đàm phán NAFTA

Giới chuyên gia nhận định: Trong quá trình tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), gồm Mexico, Mỹ và Canada, ngoài những thách thức đàm phán liên quan đến hàng hóa và ngành công nghiệp ô tô, Mexico còn phải nỗ lực để đạt được những lợi ích về công nghệ thông tin và viễn thông.

Một phiên họp tại Thượng viện Mexico. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo các chuyên gia, đàm phán những điều khoản mới mà vẫn duy trì được khối lượng thương mại của Bắc Mỹ sẽ là một vấn đề khó khăn trước quan điểm bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ sẵn sàng rút khỏi một hiệp định thương mại trị giá trên 500 tỷ USD/năm chỉ trong giao thương với quốc gia láng giềng phía Nam nếu tái đàm phán không đem lại lợi ích cho Mỹ, Mexico cần phải đóng một vai trò trung tâm hơn và liên minh với Canada để thuyết phục Mỹ rằng NAFTA đại diện cho khối xuất khẩu với số lượng lớn nhất của các thành phần giá trị gia tăng trong sản xuất toàn cầu và điều này là một lực đẩy ngoại tệ hướng về Bắc Mỹ.

Theo các chuyên gia, Trung Quốc có thể là một nhân tố mà Mexico và Canada có thể sử dụng để đàm phán một FTA cân bằng hơn giữa ba bên. Bắt đầu năm 2017, Trung Quốc đã chiếm tới 19% giá trị gia tăng trong sản xuất toàn cầu và chỉ trong vòng ba thập niên hội nhập vào kinh tế thế giới, Bắc Kinh đã đóng vai trò như nhà chi phối hàng hóa cơ bản. Trung Quốc hiện tại có tiền và đang sử dụng vào các dự án hạ tầng tại châu Á và châu Phi nhằm củng cố vị thế về địa chính trị và thương mại toàn cầu. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã vươn lên vị trí thứ tư toàn cầu về các sáng chế công nghiệp.

Giám đốc Trung tâm Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tại Mỹ Latinh, Roberto Martínez Yllescas, đánh giá Mexico quan trọng đối với Bắc Mỹ và điều quan trọng Mexico biết cách đàm phán với Mỹ về NAFTA. Câu hỏi được đặt ra là vai trò của Mexico như thế nào khi thảo luận về vấn đề công nghệ thông tin và viễn thông trên bàn tái đàm phán NAFTA. Hai ngành công nghiệp này đang trở lên hết sức quan trọng đối với tương lai của bất kỳ quốc gia nào.

Kỷ nguyên “Vạn vật kết nối” (Internet of Things - IoT) sẽ giúp các doanh nghiệp giảm tới 18% chi phí cho hoạt động sản xuất. Nhiều công nghệ và giải pháp như iCloud, Big Data, IoT hoặc VoLTE đang phát triển mạnh mẽ tại Bắc Mỹ. Mexico hiện là một trong nhà xuất khẩu đứng đầu thế giới về các dịch vụ offshore của công nghệ thông tin (IT).

Theo các chuyên gia, Mexico cần phải sử dụng tới “lá bài” rằng Mỹ đang chịu thách thức từ Trung Quốc, một quốc gia đang tăng trưởng mạnh trên mọi mặt. Mexico cũng cần phải hiểu công nghệ thông tin và viễn thông có thể giúp quốc gia này trở thành một đối tác chiến lược ngay từ khởi đầu của Công nghiệp 4.0 và tăng cường khả năng cạnh tranh. Mexico đã thành công trong việc phát triển ngành dịch vụ offshore IT và lôi kéo được nhiều doanh nghiệp của Canada và Mỹ.

Theo đại diện của OECD, điều Mexico đang thiếu đó là sự bao phủ của mạng băng thông rộng, được đánh giá là “nhiên liệu” của một cuộc cách mạng kỹ thuật số mới đang đến. Giảm các rào cản đối với khả năng tương tác, an ninh kỹ thuật số và bảo mật cá nhân là những chướng ngại chính mà Mexico cần phải vượt qua.

Trong tương lai của thương mại thế giới, người chiến thắng sẽ là người biết tích hợp giá trị gia tăng với hàng hóa và dịch vụ tốt hơn. Mexico hiện đang tiến một bước khá xa so với nhiều quốc gia bởi vì hàng hóa xuất khẩu của nước này có tỷ lệ nội địa cao nhất khu vực và đã thành công trong việc tiếp cận các chuỗi sản xuất giá trị gia tăng.


NAFTA có hiệu lực từ ngày 1/1/1994. Tổng thống Donald Trump, người luôn chủ trương ủng hộ chính sách bảo hộ sản xuất nội địa, từng mô tả hiệp định thương mại này là "thảm họa" và là nguyên nhân khiến Mỹ mất đi hàng triệu việc làm trong lĩnh vực công nghiệp. Hồi tháng Tư vừa qua, các nước thành viên đã nhất trí thúc đẩy kế hoạch đàm phán lại các điều khoản trong hiệp định này.

Dự kiến, sẽ có 7 vòng đàm phán, mỗi vòng cách nhau ba tuần nhằm hướng tới mục tiêu hoàn tất tiến trình này vào đầu năm 2018 và tiến tới triển khai vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019.

Theo thống kê, trao đổi thương mại giữa ba quốc gia Bắc Mỹ đạt tăng trưởng cao kể từ khi NAFTA có hiệu lực vào ngày 1/1/1994, với tổng kim ngạch trên 1.300 tỷ USD vào năm 2016.

Việt Hùng (P/v TTXVN tại Mexico)
Mexico muốn NAFTA được bắt đầu áp dụng vào cuối năm 2018
Mexico muốn NAFTA được bắt đầu áp dụng vào cuối năm 2018

Trong một phát biểu mới đây, Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo nhận định: trong số những thời điểm mà Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) có thể được thông qua, kịch bản thuận lợi nhất là NAFTA (phiên bản mới) được bắt đầu áp dụng vào cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN