Những thay đổi sau 100 ngày tại nhiệm của Tổng thống Mỹ Donald Trump

Trong 100 cầm quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những thay đổi đáng kể diễn ra bên trong "miền đất hứa" cũng như mối quan hệ của Washington với phần còn lại của thế giới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Ngày 20/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức với một danh sách dài những lời hứa trong 100 ngày đầu tiên của mình. Dưới đây là những vấn đề chính mà ông Trump phải đối mặt và những gì ông đã đạt được cho tới nay.

Dự luật chăm sóc sức khỏe

Cam kết bãi bỏ và thay thế Luật chăm sóc sức khỏe còn gọi là Obamacare, được thực thi dưới thời Tổng thống Barack Obama, là một trong những lời hứa trong chiến dịch tranh cử của ông Trump năm ngoái. Đây là một trong những thất bại lớn nhất trong 100 ngày đầu tiên của ông Trump.

Dự luật sức khỏe đã bị rút bỏ khỏi Hạ viện cuối tháng 3 vừa qua khi không nhận đủ số phiếu tối thiểu của đảng Cộng hòa.

Giảm thuế

Ông Trump đã nhiều lần cam kết thực hiện cải cách thuế lớn nhất từ những năm 1980. Mới đây, ông Trump đã đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống 15%, cắt giảm thuế thu nhập cá nhân xuống còn 35%, bãi bỏ thuế thừa kế và tạm thời cắt giảm tỷ lệ lợi nhuận của các công ty kiếm được ở nước ngoài nhằm khuyến khích họ đưa lượng tiền về Mỹ. Tuy nhiên, các cố vấn của ông Trump đang gặp khó khăn là làm sao thuyết phục được người dân rằng việc giảm thuế này sẽ không khiến ngân sách Mỹ thâm hụt thêm nữa. Theo đó, ngân sách Mỹ có thể sẽ mất 7 nghìn tỷ USD trong 10 năm tới nếu áp dụng chính sách thuế mới của ông Trump.

Chính sách đối ngoại


Chính sách đối ngoại của ông Trump đã được đánh dấu bằng những thay đổi lớn.

Nga: Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump nói về Tổng thống Nga Vladimir Putin đầy ngưỡng mộ và bày tỏ mong muốn nối lại quan hệ với Moskva. Tuy nhiên, chính quyền mới của ông Trump đã không thể chống lại những tranh cãi đã dẫn tới cuộc điều tra của Quốc hội về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, trong đó có những nghi ngờ về mối liên quan giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump và Moskva. Sau đó, ông Trump đã có thái độ “nguội lạnh” với Tổng thống Nga Putin. Hồi đầu tháng 4, Tổng thống Nga Putin đã lên án quyết định tấn công bằng tên lửa bằng tên lửa hành trình Tomahawk để trừng phạt cuộc tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại Syria của ông Trump. Đáp lại, Tổng thống Mỹ cho biết mối quan hệ Nga-Mỹ đang ở “mức thấp nhất mọi thời đại”.

Triều Tiên:
Mối đe dọa hạt nhân và tên lửa ngày càng gia tăng từ Triều Tiên có lẽ là thách thức an ninh nghiêm trọng nhất mà chính quyền mới của Mỹ phải đối mặt. Ông Trump đã thề sẽ ngăn chặn khả năng tấn công Mỹ bằng tên lửa hạt nhân của Triều Tiên, điều mà các chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng có thể đạt được sau năm 2020.

Chính quyền của ông Trump đặt mục tiêu buộc Triều Tiên hủy bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa thông qua áp lực trừng phạt quốc tế và ngoại giao. Ông Trump đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, cần hành động nhiều hơn nữa để kiểm chế chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

NATO: Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là “lỗi thời”. Cho tới giữa tháng 4 vừa qua, ông Trump lại đổi giọng điệu khi nói rằng NATO không lỗi thời.

Syria: Trump đã cam kết sẽ tránh can dự vào những xung đột ở Trung Đông, và trong những ngày đầu tiên tại nhiệm, ông nói rằng ông không muốn Mỹ bị kéo vào cuộc xung đột Syria. Tuy nhiên, cuộc tấn công diễn ra tại thị trấn Khan Sheikhoun làm hàng chục người thiệt mạng, bị chính quyền Mỹ cáo buộc lực lượng chính phủ Syria tiến hành, đã khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó ra lệnh bắn tên lửa hành trình Tomahawk vào một căn cứ quân sự của Syria để đáp trả. Hành động này đã được các đồng minh ở châu Âu và từ các nghị sĩ Mỹ ca ngợi.

Chính sách nhập cư và bức tường biên giới

Ông Trump đã có lời hứa sẽ trừng trị không nương tay những người nhập cư trái phép vào Mỹ và trục xuất những đối tượng nhập cư bất hợp pháp tại nước này, đặc biệt là những người từng phạm tội hình sự. Ông cũng cam kết xây dựng một bức tường dọc biên giới với Mexico và buộc Mexico chi trả chi phí xây dựng bức tường này.

Hành động quyết đoán và mạnh mẽ của ông Trump đã có ảnh hưởng nhất định. Số người nhập cư bị bắt khi cố gắng nhập cảnh bất hợp pháp vào Mỹ nhập chạm mức thấp kỷ lục trong 17 năm qua. Số trẻ em đi cùng người giám hộ và bị bắt giữ ở biên giới miền Nam Mỹ đã giảm hơn 90% trong giai đoạn từ tháng 3-tháng 12.

Một thẩm phán tại San Francisco ngày 14/4 đã phong tỏa sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump cắt ngân sách liên bang dành cho các bang và thành phố không bắt hoặc bỏ tù người nhập cư cư trú trái phép. Quyết định của Tòa án liên bang San Francisco được cho là đòn tiếp theo giáng vào nỗ lực kiểm soát người nhập cư của Nhà Trắng. Hai sắc lệnh hành chính trước đó của Tổng thống Trump, theo đó cấm nhập cảnh đối với công dân các quốc gia có số đông người Hồi giáo sinh sống, cũng đã bị phong tỏa tại tòa án liên bang Hawaii và Seattle.

Tòa án tối cao


Đây là một trong những chiến thắng rõ ràng nhất của ông Trump. Tổng thống Donald Trump đã giữ đúng lời hứa bổ nhiệm một vị thẩm phán có cùng tư tưởng với Thẩm phán Antonin Scalia, người đã qua đời hồi đầu năm ngoái. Thượng viện Mỹ đã xác nhận việc bổ nhiệm ông Neil Gorsuch bất chấp sự phản đối của phe Dân chủ.

Thương mại


Ngay sau khi nhậm chức, chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) để bảo vệ thị trường việc làm.

Ông Trump đã đe dọa rút khỏi hoặc đàm phán lại Hiệp định thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), cáo buộc Mexico khiến công ăn việc làm của Mỹ biến mất. Những mối đe dọa này khiến các thị trường tài chính xáo trộn vào những thời điểm khác nhau. Tuy nhiên, ngày 27/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với lãnh đạo Canada và Mexico rằng ông sẽ không chấm dứt Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) lúc này, song sẽ nhanh chóng cùng họ tái đàm phán.

Trước đó, ông Trump đã ký hai sắc lệnh, trong đó chỉ đạo các quan chức thương mại nước này tìm hiểu những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thâm hụt thương mại ở Mỹ, kiểm tra đánh giá cụ thể đối với từng quốc gia và từng sản phẩm giao thương.

Ông Trump từng cam kết sẽ tuyên bố Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ ngay trong ngày đầu tiên cầm quyền, động thái cho phép Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt thương mại đơn phương đối với Bắc Kinh. Tuy nhiên, trung tuần tháng 4, ông lại đổi ý và thừa nhận Trung Quốc không thao túng tiền tệ

Đảo ngược các quy định thời Obama

Trump đã quyết đoán thực hiện lời hứa để loại bỏ các quy định mà theo ông đã gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ. Ông Trump đã ký sắc lệnh hành pháp đảo ngược quyết định trước đây của người tiền nhiệm Barack Obama khi cho phép nối lại có điều kiện đối với dự án xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL nối Canada và Mỹ, chấm dứt nhiều năm tranh cãi về dự án này.

Ông cũng ký sắc lệnh hành pháp nhằm bãi bỏ các quy định về chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường thời ông Obama, một lệnh cấm cho thuê than trên các vùng đất liên bang, và các quy định giảm phát thải khí mê tan từ sản xuất dầu khí.

Chính quyền của ông Trump đã thông qua một số biện pháp đảo ngược các quy định được thông qua trong những tháng cuối cùng của chính quyền Obama về môi trường, năng lượng, giáo dục và dịch vụ tài chính.

Mua hàng Mỹ và thuê lao động người Mỹ

Tổng thống Donald Trump ngày 17/2 cam kết sẽ thúc đẩy các hoạt động sản xuất tại Mỹ và trừng phạt những công ty cố tình đưa việc làm ra nước ngoài thay vì ưu tiên tuyển dụng người lao động trong nước. Trước khi chính thức trở thành Tổng thống Mỹ, ông Trump đã sử dụng chiến thắng trong cuộc bầu cử để đe dọa các công ty về việc chuyển việc làm ra nước ngoài. Mặc dù bị ông Trump đe dọa, công ty mẹ của Carrier là United Technologies vẫn giữ kế hoạch chuyển 1.300 công việc ở bang Indiana sang Mexico.

Ông Trump cũng ký sắc lệnh hành pháp nhằm xem xét lại chương trình cấp visa H-1B cho lao động lành nghề vào Mỹ. H-1B là chương trình cấp visa cho người nước ngoài có tay nghề cao còn hiếm tại Mỹ. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Trump lo ngại chương trình này tạo lỗ hổng cho các công ty Mỹ thuê người nước ngoài với mức lương thấp hơn người Mỹ, khiến cơ hội việc làm của dân Mỹ thấp đi.

Sắc lệnh Tổng thống Trump này được Nhà Trắng gọi tên "Mua hàng Mỹ và thuê người lao động Mỹ". Tổng thống Trump còn yêu cầu tăng cường tiêu thụ sản phẩm Mỹ trong các hợp đồng mua sắm liên bang.


Trần Minh/Báo Tin Tức
100 ngày xáo trộn của Tổng thống Donald Trump
100 ngày xáo trộn của Tổng thống Donald Trump

Nhiều quyết sách gây tranh cãi, hàng loạt tuyên bố gây sốc, những hành động làm chấn động thế giới. Đó là những gì đánh dấu mốc 100 ngày nắm quyền của ông Donald Trump, vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ xuất thân từ giới kinh doanh với khẩu hiệu tranh cử nổi tiếng "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN