Những thuyền trưởng tốt không bao giờ bỏ tàu

Mức độ thiệt hại, nhất là thiệt hại về người, trong những tình huống khủng hoảng và thảm họa luôn gắn liền với vai trò của những người chỉ huy. Hồi tháng 7/2013, chuyến bay số hiệu 214 của hãng hàng không Asiana, Hàn Quốc bị tai nạn trong lúc hạ cánh xuống sân bay quốc tế San Francisco, Mỹ. Nó bị gãy đuôi ngay trước thời điểm hạ cánh. Vụ tai nạn làm 3 người thiệt mạng nhưng 305 người còn lại trên máy bay đã được cứu thoát an toàn nhờ những hành động quyết đoán và dũng cảm của đội ngũ phi hành đoàn.


Đối với tàu thuyền, vai trò của người thuyền trưởng là cực kỳ quan trọng. Vụ đắm tàu Titanic ở Bắc Đại Tây Dương năm 1912 làm cho hơn 1.500 người thiệt mạng là một trong những thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử hàng hải dân sự thời hiện đại. Dù tỉ lệ phụ nữ sống sót trong các vụ tại nạn hàng hải của Anh hơn một thế kỷ qua chỉ là 15,3%, nhưng trong vụ này lại có đến 70% phụ nữ và hơn một nửa số hành khách dưới 18 tuổi được cứu sống. Trường hợp tàu Titanic là một ngoại lệ như vậy bởi vì vị thuyền trưởng con tàu đã cầm súng trong tay, ra lệnh cho mọi người phải nhường đường và hỗ trợ cho phụ nữ, trẻ em xuống các xuồng cứu hộ trước.


Các nhà nghiên cứu của Trường Đại học Uppsala ở Thụy Điển đã tiến hành khảo sát đối với các vụ tai nạn đường thủy có số người thiệt mạng nhiều hơn con số 100 trong khoảng thời gian từ năm 1852 đến năm 2011. Kết quả nghiên cứu cho thấy, thủy thủ đoàn là những người có tỉ lệ sống sót cao nhất (61,1%), sau đó là các thuyền trưởng (43,8%). Tiếp theo là tỉ lệ sống sót của nam giới với 37,4% và thấp nhất chính là phụ nữ và trẻ em với tỉ lệ lần lượt là 26,7% và 15,3%.


Tổng thống Hàn Quốc động viên cháu Kwon Chi - Yeon, hành khách trẻ tuổi nhất trên phà Sewol, có mẹ là người Việt Nam hiện vẫn chưa được tìm thấy.


Sinh mạng của hành khách luôn gặp nguy hiểm khi mà thủy thủ đoàn chỉ lo tìm cách thoát thân trước. Trên chuyến phà Sewol định mệnh chở 475 người chủ yếu là học sinh phổ thông trung học bị chìm khi đang trên đường tới hòn đảo du lịch nổi tiếng Jeju của Hàn Quốc hôm 16/4 vừa qua, thủy thủ đoàn gồm cả thuyền trưởng đã tìm cách thoát thân đầu tiên khi phà đang chìm dần. Chỉ còn lại duy nhất một nữ lái tàu mới 22 tuổi ở lại để hướng dẫn thoát hiểm cho hành khách trên phà.


Cho đến nay, vẫn còn rất nhiều học sinh và hành khách khác trên phà chưa được tìm thấy. Họ được cho là những người đã tuân theo yêu cầu của thủy thủ đoàn cứ ở nguyên tại chỗ. Nhiều nhận định ban đầu cho rằng nếu thuyền trưởng và các thủy thủ làm hết trách nhiệm trong thời gian 2 tiếng đồng hồ trước khi chiếc phà lật úp thì có thể cứu sống được phần lớn hành khách chứ không chỉ 1/3 như thế này.


Thân nhân hành khách cho rằng thủy thủ đoàn của phà Sewol không có cả khả năng xử lý tình huống khẩn cấp lẫn tinh thần trách nhiệm trong thảm họa vừa qua. Nhiều người dân Hàn Quốc đòi hỏi những lĩnh vực dịch vụ liên quan đến sinh mạng con người phải được nhận thức đầy đủ và gắn liền với các chế tài thật nghiêm khắc. Còn các công ty vận tải hàng hải phải thường xuyên đào tạo cho thủy thủ đoàn nhằm đảm bảo họ có đủ năng lực và sự tự tin để xử lý đúng đắn các tình huống khẩn cấp.


Ngọc Du (Korea JoongAngDaily)

Hàn Quốc vớt được những thi thể đầu tiên từ chiếc phà bị đắm
Hàn Quốc vớt được những thi thể đầu tiên từ chiếc phà bị đắm

Cơ quan xử lý tình trạng khẩn cấp của Hàn Quốc cho biết đã tìm thấy thêm 10 thi thể trong vụ đắm phà SEAWOL ở ngoài khơi đảo Jindo hôm 16/4. Tuy nhiên, vẫn chưa xác định được những thi thể trên được tìm thấy gần khu vực phà bị đắm hay bên trong phà.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN