Trong một tuyên bố do Điện Kremlin đưa ra lần đầu tiên vào năm 2024, Tổng thống Putin ca ngợi việc mở rộng BRICS, gọi đó là một dấu hiệu mạnh mẽ cho thấy sức mạnh ngày càng tăng và vai trò của tổ chức này trong các vấn đề quốc tế.
Vào tháng 8/2023, BRICS (vào thời điểm đó gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã đồng ý kết nạp Saudi Arabia, Iran, Ethiopia, Ai Cập, Argentina và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), đồng thời để ngỏ khả năng chấp nhận thêm thành viên mới. Tuy nhiên, Argentina đã chính thức từ chối lời mời sau khi tổng thống mới đắc cử Javier Milei phản đối động thái này.
Nhà lãnh đạo Nga lưu ý, nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của Moskva với phương châm "Tăng cường chủ nghĩa đa phương vì sự phát triển và an ninh toàn cầu công bằng" sẽ tập trung vào hợp tác tích cực và mang tính xây dựng.
Theo ông Putin, Nga dự định tăng cường quan hệ đối tác trong các lĩnh vực chính trị và an ninh, các vấn đề kinh tế, tài chính cũng như các mối liên hệ về văn hóa, nhân đạo, đồng thời đưa ra những phản ứng hiệu quả trước những thách thức, mối đe dọa đối với an ninh, ổn định quốc tế và khu vực.
Người đứng đầu Điện Kremlin nhấn mạnh: Nga sẽ tập trung tăng cường phối hợp chính sách đối ngoại giữa các nước thành viên, góp phần triển khai thực tế Chiến lược Đối tác Kinh tế BRICS 2025 cùng Kế hoạch Hành động Hợp tác Đổi mới BRICS 2021-2024. Mục đích là để đảm bảo an ninh năng lượng, lương thực, nâng cao vai trò của BRICS trong hệ thống tiền tệ quốc tế, mở rộng hợp tác liên ngân hàng và tăng cường sử dụng tiền tệ quốc gia trong thương mại nội khối.
Ông Putin nêu rõ: “Các ưu tiên của chúng tôi bao gồm thúc đẩy hợp tác về khoa học, công nghệ cao, y tế, bảo vệ môi trường, văn hóa, thể thao, giao lưu thanh niên và xã hội dân sự”.
Bình luận về sự mở rộng mới nhất của BRICS, ông Putin cho biết Nga có kế hoạch tạo điều kiện thuận lợi cho sự hội nhập hài hòa của những thành viên mới trong mọi lĩnh vực, đồng thời lưu ý rằng khoảng 30 quốc gia đã bày tỏ mong muốn tham gia chương trình nghị sự của khối dưới hình thức này hay hình thức khác.
Tổng thống Nga cho biết BRICS đang thu hút ngày càng nhiều nước ủng hộ và các quốc gia có cùng quan điểm chia sẻ các nguyên tắc cơ bản của tổ chức này. Những nguyên tắc đó bao gồm "bình đẳng chủ quyền, tôn trọng con đường phát triển đã chọn, hài hòa lợi ích chung, cởi mở, đồng thuận, khát vọng hình thành trật tự quốc tế đa cực và hệ thống tài chính và thương mại toàn cầu công bằng, theo đuổi các giải pháp hợp tác chung để giải quyết những thách thức hàng đầu hiện nay".
Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết BRICS có kế hoạch thống nhất danh sách các quốc gia đối tác trước hội nghị thượng đỉnh của khối dự kiến diễn ra vào tháng 10/2024 tại Kazan, đồng thời nói thêm rằng một số quốc gia Mỹ Latinh có thể nhận được quy chế này.
Theo báo cáo, hơn 200 sự kiện ở các cấp độ và loại hình khác nhau sẽ được tổ chức ở nhiều thành phố của Nga trong khuôn khổ nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên BRICS.
Được thành lập lần đầu tiên vào năm 2009, BRICS thể hiện mình là một giải pháp thay thế cho các thể chế quốc tế do phương Tây thống trị. Theo IMF, BRICS mở rộng hiện chiếm 36% GDP toàn cầu xét về sức mua tương đương, vượt qua G7, một nhóm không chính thức gồm các nước phương Tây.