Cử tri sẽ bỏ phiếu cho 435 vị trí trong Hạ viện và 35/100 ghế trong Thượng viện. Cuộc bầu cử này được cho là rất quan trọng với Tổng thống Mỹ Donald Trump – người cần đảng Cộng hòa duy trì được quyền kiểm soát Quốc hội để thực thi các chương trình nghị sự chính sách của mình.
Chương trình chăm sóc sức khỏe
Các cử tri Mỹ coi chăm sóc sức khỏe là một vấn đề trọng tâm đang nghiêng về hai phe trái ngược. Một số người đổ lỗi cho chính quyền Tổng thống Trump vì đe dọa hệ thống chăm sóc sức khỏe trong khi những người khác lại muốn bãi bỏ đạo luật về Chương trình chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (Obamacare).
"Tôi sẽ nói vấn đề chăm sóc sức khỏe là một ưu tiên vì hiện nó đang phải đối mặt với mối đe dọa lớn từ chính phủ liên bang. Tất cả mọi thứ mà chính quyền ông Trump đang làm là tác động đến tương lai hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng tôi", Lindsey Van Orman, một cử tri đến từ thành phố New York, trả lời phỏng vấn đài Sputnik. Bà nói thêm Mỹ cần các nhà lập pháp đẩy lùi các chính sách của chính quyền Trump.
Trong khi đó, cử tri Woodrow Bean bang Texas coi chăm sóc sức khỏe là quan trọng nhưng lại có quan điểm hoàn toàn khác biệt.
Ông Bean cho biết cả hai đảng đều thất bại về việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe với giá cả phải chăng và dễ tiếp cận, nhưng ông ủng hộ việc bãi bỏ Obamacare. “Tôi ủng hộ… nỗ lực xóa bỏ và thay thế Obamacare với một nền tảng trung bình hơn để giúp giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận với cạnh tranh nhiều hơn", cử tri Bean giải thích.
Ông Bean cho rằng Obamacare đã gây ra thiệt hại đáng kể trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ, đó là một trong những lý do ông không thể ủng hộ nghị sĩ Beto O'Rourke đối đầu với đương kim Thượng nghị sĩ Ted Cruz trong cuộc đua Thượng viện ở Texas.
Kinh tế
Kinh tế là một yếu tố quan trọng khác cho các cử tri Mỹ cân nhắc và đặc biệt trong cuộc đua then chốt giữa hai ứng viên Cruz và O’Rourke.
Mặc dù đảng Cộng hòa đang có lợi thế để duy trì quyền kiểm soát Thượng viện, cuộc đua tại Texas vẫn trở thành quân bài chiến lược vì đảng của Tổng thống Trump đã dành chi phí đáng kể trong nỗ lực giúp Thượng nghị sĩ Cruz tái đắc cử.
Cử tri bang Texas Steve Lettunich cho biết: “Là một thượng nghị sĩ đại diện cho một trong những vùng sản xuất dầu mỏ và khí đốt lớn nhất trên thế giới, dù là bất cứ ai, họ phải đặt công việc và tăng trưởng kinh tế của toàn bang lên trên các vấn đề chính trị đảng phái”.
Cử tri Lettunich cho rằng Thượng Nghị sĩ Cruz đã khiến mình nổi trội hơn hẳn các ứng viên khác với chính sách giúp đỡ cho bộ phận nông dân trồng hồ đào, một trong những sản phẩm xuất khẩu nông nghiệp có giá trị nhất của quốc gia. “Trong khi những người khác bao gồm cả O'Rourke bị mắc kẹt với ý định cầu xin Trung Quốc cân nhắc về đòn trả đũa thuế quan, thì Cruz đã có tầm nhìn xa khi bắt đầu làm việc với Bộ Ngoại giao và các đối tác ở Ấn Độ để mở rộng và tạo ra thị trường mới cho các nhà sản xuất ở Texas”.
Cử tri Bean cũng chỉ ra một ngành sản xuất quan trọng khác ở Texas sẽ bị ảnh hưởng bởi những người đại diện tiểu bang làm việc tại Quốc hội ở Washington. "Tôi lo ngại những hạn chế và quy định nghiêm ngặt sẽ dẫn đến sự phá hủy ngành năng lượng ở Texas - hiện đang sản xuất và vượt qua các quốc gia dầu mỏ lớn như Iraq và Iran".
Vấn đề nhập cư
Nhập cư là một chủ đề nóng trên toàn nước Mỹ nhưng nó lại trở nên đặc biệt chú trọng tại các bang như Texas có chung biên giới với Mexico. Tổng thống Trump đã triển khai 5.000 binh sĩ đến biên giới phía nam chuẩn bị đối phó với dòng người di dân từ Trung Mỹ qua Mexico.
Trong khi cử tri Bean bày tỏ anh hiểu mọi người muốn cuộc sống tốt hơn song cũng lo lắng các tệ nạn xã hội và tội phạm sẽ xuất hiện từ đoàn người di cư, thì cử tri Garcia lại thể hiện sự đồng cảm với những người nhập cư, vì ông có người thân sống ở phía bên kia biên giới.
Garcia giải thích: “Họ đã chứng tỏ là một nhân tố có ích cho sự phát triển của đất nước và đó là điều cho phép những người nhập cư nên đến. Đem những người nhập cư có chất lượng sẽ khiến đất nước này tạo ra việc làm và công việc kinh doanh ấn tượng”.
Chính sách đối ngoại
Jeff Patingan (35 tuổi), một nhà thiết kế đồ họa sống tại Honolulu, thủ phủ của tiểu bang Hawaii, cho rằng chính sách đối ngoại là ưu tiên hàng đầu trong danh sách các vấn đề thúc đẩy quyết định bỏ phiếu của anh vào ngày thứ Ba.
"Các chính sách đối ngoại đối với tôi rất quan trọng, đặc biệt là khi nói đến an ninh quốc gia. Tôi nghĩ ông Trump phải cứng rắn hơn với Nga, nhưng tôi rất vui vì quan hệ với Triều Tiên cải thiện", cử tri Patingan trả lời.
Trong khi đó, ông Bean cho rằng bất cứ ai được bầu cũng nên tiếp tục làm việc với các biện pháp trừng phạt chống lại Moskva vì các hoạt động của nước này tại Trung Đông và Đông Âu. "Hòa bình thông qua sức mạnh dường như là cách giải quyết tốt nhất vào thời điểm này. Vẫn đối thoại nhưng hãy tiếp tục trừng phạt cho đến khi họ sẵn sàng thay đổi theo hướng tốt hơn”.
Trái ngược với ý kiến trên, cử tri Alex Gonzalez đến từ bang thành phố New York lại cho rằng việc tập trung quá vào Nga đã khiến chính quyền Mỹ sao nhãng các vấn đề quan trọng khác. “Tôi nghĩ chúng ta đã có đủ chuyện trong nước rồi. Mối đe dọa lớn nhất của chúng ta là nằm trong Nhà Trắng. Hãy giải quyết điều đó trước, rồi có thể mọi vấn đề khác sẽ theo lẽ tự nhiên”.