Cùng với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, những đền, chùa cổ kính và các lễ hội sôi động, Chichibu lôi cuốn du khách bằng các sản phẩm du lịch độc đáo, nhất là trong thời dịch bệnh.
Chichibu có địa hình phần lớn là núi cao và khí hậu ôn đới. Vì vậy, vào thời điểm tháng Một và Hai hàng năm, nhiều khu vực ở thành phố này thường bị băng tuyết bao phủ. Đây là điểm khá bất lợi đối với thành phố này. Tuy nhiên, người dân Chichibu đã biến bất lợi đó thành một sản phẩm du lịch rất độc đáo. Họ đã tạo ra các tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp từ các nhũ băng ở những nơi suối hoặc thác bị đóng băng. Chính các nhũ băng đó đã mang đến cho Chichibu không chỉ những hương sắc nghệ thuật vào mùa Đông mà còn cả một lượng lớn du khách.
Hiện nay, Chichibu có ba khu lịch nhũ băng, trong đó Ashigakubo là một khu du lịch như vậy. Trao đổi với các phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, chị Tomomi Hoizumi, một khách thăm quan Ashigakubo, nói: “Thật là ngạc nhiên. Ở Nhật Bản, bạn có thể thấy tuyết ở nhiều nơi. Tuy nhiên, nhũ băng thì không phải nơi nào cũng có. Và điều đặc biệt hơn nữa là ở đây, bạn có thể ngắm nhìn các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc trên nhũ băng”.
Nói về ý tưởng điêu khắc trên nhũ băng, bà Rumi Kaneko, nhân viên Trung tâm Thông tin Du lịch Thị trấn Yokose, nói: “Ý tưởng tạo ra các tác phẩm nghệ thuật từ các nhũ băng ở Ashigakubo đã có từ lâu. Tuy nhiên, phải tới mùa Đông giá lạnh năm 2014, chúng tôi mới lần đầu tiên bắt tay vào thực hiện dự án này. Ngay lập tức, dự án này đã thành công và thu hút đông đảo khách tới thăm quan”.
Theo bà Kaneko, Ashigakubo đón khoảng 800 du khách vào ngày thường và khoảng 3.000 người/ngày vào các ngày cuối tuần và nghỉ lễ. Ngay cả sau khi dịch COVID-19 bùng phát, số lượng khách tới khu du lịch nhũ băng này không giảm nhiều vì khu vực này có không gian mở nên nguy cơ lây nhiễm khá thấp.
“Tất nhiên, chúng tôi vẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt như giãn cách xã hội, kiểm tra thân nhiệt và yêu cầu du khách phải đeo khẩu trang”, bà Kaneko nhấn mạnh.
Nằm cách Ashigakubo không xa là đền Chichibu. Ngôi đền thần giáo này là nơi tổ chức Lễ hội Đêm Chichibu. Được tổ chức vào các ngày 2 và 3/12 hàng năm, lễ hội này đã có lịch sử hơn 300 năm này và được coi là một trong “tam đại lễ hội” ở Nhật Bản cùng với các lễ hội Gion ở Kyoto và Takayama ở Gifu. Nét độc đáo nhất của lễ hội là màn rước kiệu vô cùng hoành tráng. Các kiệu rước đều được chạm trổ cực kỳ tinh xảo với những đường nét thể hiện đỉnh cao của những người thợ thủ công. Đặc biệt, nhiều họa tiết hoa văn trên kiệu còn được mạ vàng khiến cho các kiệu rước toát lên vẻ lộng lẫy dưới ánh đèn trong đêm lễ hội. Lễ hội Đêm Chichibu đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới vào năm 2016.
Trước dịch COVID-19, mỗi năm, Chichibu thường đón khoảng 400.000 lượt khách tới đây để tham gia lễ hội. Tuy nhiên, sau khi dịch bệnh bùng phát, các màn rước kiệu hoành tráng đó đã bị hủy. Kết quả là các quang cảnh náo nhiệt trước đây hầu như không còn.
Trong hoàn cảnh khó khăn đó, Chichibu đã tìm cách thu hút khách trở lại bằng các tour du lịch tới Bảo tàng Lễ hội Chichibu. Tại đây, du khách có thể tìm hiểu về lịch sử của khoảng 300 lễ hội ở thành phố này, được chiêm ngưỡng các mô hình kiệu rước Kasaboko và Yatai, và được xem các hình ảnh của các lễ hội trước đây. Bên cạnh đó, họ cũng có cơ hội tới thăm đền Chichibu có lịch sử hơn 1.000 năm tuổi.
Mặc dù các tour du lịch như vậy cũng góp phần không nhỏ giúp Chichibu thu hút khách thăm quan trong thời gian không tổ chức lễ hội nhưng người dân nơi đây vẫn hy vọng dịch bệnh sẽ sớm kết thúc và họ có thể tổ chức các lễ rước kiệu sôi động như ngày nào. Ông Katsunori Hagiwara, Cố vấn Bảo tồn Lễ hội Chichibu, nói: “Thật đáng tiếc là do dịch bệnh nên chúng ta không còn được chứng kiến Lễ hội Đêm Chichibu vô cùng náo nhiệt. Mặc dù chúng tôi vẫn thực hiện các nghi lễ tại đền Chichibu nhưng chúng tôi không thể tổ chức rước kiệu trên đường phố để tránh tập trung đông người và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, tôi lo ngại rằng nếu tạm dừng việc tổ chức rước kiệu lâu quá, người dân ở đây sẽ cảm thấy khó khăn khi nối lại hoạt động này. Vì vậy, tôi hy vọng rằng các hoạt động văn hóa-xã hội sẽ sớm trở lại bình thường”.