Báo Aljazeera đánh giá thông điệp đầu năm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un vừa qua xuất hiện nhiều điểm khác biệt so với những năm trước đó. Nhà lãnh đạo Triều Tiên dường như muốn thay đổi hình ảnh khi ông ngồi trên ghế tựa trong thư viện để phát biểu và nhìn thẳng vào camera thay vì đứng trên bục trước đám đông.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đề cập đến cam kết phi hạt nhân Bán đảo Triều Tiên và tuyên bố ông sẵn sàng gặp gỡ Tổng thống Trump một lần nữa. Tuy nhiên, ông Kim Jong-un cũng cảnh báo Triều Tiên có thể đi con đường khác nếu Mỹ tiếp tục duy trì trừng phạt và áp lực.
Đáp lại, Tổng thống Trump lên mạng xã hội Twitter và khẳng định cũng sẵn sàng cho cuộc gặp thứ hai với nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Tuy nhiên, điều không được đề cập trong nội dung đăng Twitter của Tổng thống Trump nhưng lại gắn trong bài phát biểu của nhà lãnh đạo Kim Jong-un chính là yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt, ngừng tập trận chung với Hàn Quốc và chính thức chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên.
Bên cạnh đó, Giáo sư Ryu Yongwook tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận định: “Bất chấp tất cả các cuộc gặp và đàm phán kể từ đầu năm 2018, Triều Tiên chưa có động thái thật sự ý nghĩa trong phi hạt nhân”.
Những điều này cho thấy mục tiêu hàng đầu trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều thứ hai vẫn là phi hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, tuy nhiên tình hình đã có nhiều thay đổi so với cách đây 6 tháng.
Các mục tiêu dài hạn của Triều Tiên
Bà Duyeon Kim tại Trung tâm vì An ninh Mới của Mỹ đánh giá: “Phát biểu đầu năm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho thấy ông sẵn sàng cho đối thoại kiểm soát vũ khí, chứ không phải phi hạt nhân với Mỹ”.
Các nhà phân tích đánh giá nhiều khả năng mục tiêu lâu dài của Triều Tiên là được công nhận quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân có trách nhiệm với cam kết không bán và dùng vũ khí này. Do vậy, viễn cảnh cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 có thể giúp Bán đảo Triều Tiên sạch bóng vũ khí hạt nhân là chưa rõ ràng.
Bà Duyeon Kim đánh giá: “Nếu Mỹ không chấp nhận các điều khoản của Triều Tiên thì tôi cho rằng Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục hoàn thiện công nghệ vũ khí hạt nhân đi kèm với phát triển kinh tế”.
Tổng thống Hàn Quốc
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un mong muốn cải thiện nền kinh tế Triều Tiên vốn chịu nhiều ảnh hưởng do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Điều tất yếu là nhà lãnh đạo Kim Jong-un chọn hợp tác với Hàn Quốc để phát triển kinh tế Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc cũng rất "niềm nở" với quan điểm này của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Điều này phần nào thể hiện qua việc Tổng thống Moon Jae-in tới Bình Nhưỡng dự Hội nghị Thượng đỉnh mới đây với một phái đoàn gồm hàng loạt doanh nghiệp nổi tiếng của Hàn Quốc tháp tùng.
Nhưng trên hết nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhận ra cần hành động nhanh chóng ở thời điểm ông Moon Jae-in vẫn giữ cương vị Tổng thống Hàn Quốc.
Nếu trong cuộc bầu cử vào năm 2022 tới, Hàn Quốc đón một nhà lãnh đạo bảo thủ hơn thì câu chuyện sẽ rất khác biệt với Triều Tiên.
Liệu Mỹ-Triều có chấp nhận thỏa hiệp?
Một giáo sư tại Đại học Yonsei (Hàn Quốc) phân tích rằng Mỹ không lo lắng quá nhiều về vũ khí hạt nhân Triều Tiên như nhiều chuyên gia nhận định. Vị giáo sư giấu tên này nêu bật: “Điều Mỹ thực sự quan tâm là tên lửa có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ. Tôi cho rằng Mỹ chỉ cần đồng ý để Triều Tiên giữ lại một số vũ khí nhưng Bình Nhưỡng phải chấp nhận từ bỏ khả năng phóng tên lửa liên lục địa”.
Qua bài phát biểu Năm mới, nhà lãnh đạo Kim Jong-un dường như thể hiện Triều Tiên sẵn sàng gia nhập cộng đồng quốc tế và cải tổ nền kinh tế. Trong khi đó, Tổng thống Trump cũng kỳ vọng có một kết quả rõ ràng trong hội nghị thượng đỉnh thứ hai với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Các học giả từ đây nhận xét rằng mục tiêu của Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un có được hiện thực hóa hay không phần lớn sẽ nhờ vào sự sẵn sàng thỏa hiệp của cả hai nhà lãnh đạo này.