Ngày 22/12, dự án kênh đào Nicaragua với tổng mức đầu tư 50 tỉ USD đã chính thức được khởi động, giữa lúc làn sóng phản đối dự án tiếp tục diễn ra.Phát biểu tại lễ động thổ, ông Wang Jing, Giám đốc điều hành Công ty Phát triển Đầu tư kênh đào Nicaragua (HKND) có trụ sở ở Hong Kong (Trung Quốc) nói rằng: “Ngày hôm nay, chúng ta khởi động dự án kênh đào với sự ủng hộ của chính phủ, sự thấu hiểu và hậu thuẫn mạnh mẽ của người dân Nicaragua”. Người phát ngôn chính phủ Nicaragua thì cho rằng, sự kiện này là “món quà Giáng sinh tuyệt vời” đối với người dân nước này. Thế nhưng nhiều cư dân bản địa thì không nghĩ như vậy. Các cuộc biểu tình phản đối nổ ra ngay trong ngày động thổ siêu dự án, người biểu tình dựng chướng ngại vật, phong tỏa các tuyến đường dẫn đến 2 địa điểm diễn ra lễ động thổ.
Ông Wang Jing (trái) tại lễ động thổ dự án. Ảnh: AP |
Kế hoạch này hướng đến việc xây dựng tuyến kênh dài 280km, nối liền Caribe với Thái Bình Dương, thách thức trực tiếp kênh đào Panama. Chính quyền Tổng thống Daniel Ortega hy vọng, sau khi hoàn thành vào năm 2019, siêu dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất ở Mỹ Latinh này sẽ là động lực chủ yếu để đưa nền kinh tế Nicaragua cất cánh.
Ngay từ thời điểm trao quyền cho chủ đầu tư HKND, dự án đã vấp phải dư luận trái chiều. Nhiều người phản đối tính minh bạch của hợp đồng này. Họ nói rằng, việc trao quyền quản lý dự án cho HKND - đối tác duy nhất mà không qua đấu thầu, cho thấy nhiều điểm mập mờ. Hơn thế, việc ông Wang từ chối tiết lộ danh tính của các nhà đầu tư góp vốn đưa đến phỏng đoán rằng, chính phủ Trung Quốc có thể là người hậu thuẫn dự án này.
Tác động tiêu cực đến hệ sinh thái cũng là một lý do khác. Các nhà hoạt động môi trường Nicaragua phàn nàn rằng, chính phủ đã không cung cấp đầy đủ thông tin trong báo cáo đánh giá tác động môi trường tiền khả thi. Họ yêu cầu tiến hành đánh giá khoa học độc lập, với lo ngại rằng việc xây dựng kênh đào sẽ có tác động xấu đến nguồn nước tại hồ Cocibolca, nguồn cung cấp nước ngọt lớn nhất ở Nicaragua. Việc nạo vét 3 tỉ m3 đất đá để tạo ra tuyến kênh có chiều rộng 230-520m, độ sâu hơn 30m đủ sức tiếp nhận các tàu hàng trọng tải 400.000 tấn cũng được cho là sẽ tác động mạnh đến hệ sinh thái. Ước tính, sẽ có khoảng 30 cộng đồng dân cư, với khoảng 120.000 nghìn người sẽ phải rời bỏ nhà cửa để lấy đất phục vụ cho dự án. Đi kèm với đó là những quan ngại về an sinh, mức giá đền bù.
Nhiều cuộc biểu tình phản đối dự án nổ ra ở Nicaragua. Ảnh: Reuters |
Quan ngại lớn hơn cả là vấn đề chủ quyền. Đã có những chỉ trích cho rằng, chính quyền đã bán rẻ “chủ quyền” cho nước ngoài, mà ở đó lợi ích mà Nicaragua thu được là không tương xứng. Theo một đạo luật được Quốc hội Nicaragua thông qua hồi năm 2013, HKND sẽ được quyền điều hành, quản lý dự án trong 50 năm (kèm theo điều khoản gia hạn hợp đồng tiếp 50 năm nữa). Cùng với đó là các ưu đãi về miễn thuế nội địa, các nghĩa vụ khác về pháp lý dành cho HKND. Đổi lại, Nicaragua nhận được khoản tiền khoảng 10 tỉ USD/năm khi dự án đi vào hoạt đông.
Đáng chú ý, một báo cáo của Đại học Trung Mỹ tại thủ đô Managua (Nicaragua) cho thấy rằng: Thỏa thuận giữa chính phủ và HKND không có điều khoản nào cấm công ty này chuyển giao quyền sử dụng kênh đào cho nhà nước Trung Quốc. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) ngày 22/12 dẫn lời Danilo Lorio, một thủ lĩnh biểu tình Hong Kong, nói rằng: “Dự án này không mang lại lợi ích cho người dân Nicaragua, nó chỉ làm lợi cho người Trung Quốc”.
Đã nổ ra 17 cuộc biểu tình ở Nicaragua thời gian gần đây, đỉnh điểm là vào hôm 10/12, với sự tham gia của hơn 5.000 nghìn người.
Hoài Thanh (
Tổng hợp)