Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, trong một thông báo đưa ra ngày 13/3, Giám đốc truyền thông Nigeria Air Peace Chris Iwarah nhấn mạnh mọi quyết định liên quan đến việc hủy hợp mua Boeing 737 MAX 8 được xem là chưa chín muồi. Tuy nhiên, Air Peace cam kết sẽ theo sát diễn biến sự việc để kịp thời đưa ra những quyết định phù hợp nhằm bảo đảm lợi ích cũng như an toàn cho hành khách.
Ông Iwarah nêu rõ việc điều tra nguyên nhân vụ tai nạn liên quan đến vụ rơi máy bay Boeing 737 MAX 8 của hãng hàng không Ethiopia Airlines ngày 10/3 hiện vẫn đang được tiến hành. Do đó, sẽ không công bằng nếu đưa ra bất cứ bình luận hay quyết định nào trong thời điểm này.
Giám đốc truyền thông Nigeria Air Peace cũng bày tỏ tin tưởng Boeing hoàn toàn có đủ năng lực tìm ra nguyên nhân cũng như khắc phục sự cố. Bên cạnh đó, các yếu tố kỹ thuật liên quan đến an toàn của máy bay nên được kết luận bởi những chuyên gia hàng không hàng đầu thế giới.
Tuy vậy, dòng máy bay Boeing 737 MAX vẫn tiếp tục hứng chịu làn sóng cấm khai thác từ một loạt các cơ quan quản lý hàng không và các hãng hàng không trên thế giới.
Trong tuyên bố mới nhất đưa ra ngày 13/3, Bộ Hàng không dân dụng Ấn Độ khẳng định nước này sẽ không cho phép máy bay Boeing 737 MAX vào hoặc quá cảnh không phận nước này kể từ 10h30 (giờ GMT, tức 17h30 theo giờ Việt Nam). Bộ trên cho biết việc đặt ra thời hạn trên là nhằm hỗ trợ các máy bay thuộc dòng này hoàn thành nốt lịch trình của.
Trước đó một ngày, Bộ Hàng không Dân dụng Ấn Độ cũng ra quyết định ngừng ngay lập tức việc sử dụng dòng máy bay Boeing 737 MAX. Hiện Ấn Độ có hai hãng không hàng đầu là Jet Airways Ltd và SpiceJet Ltd sử dụng dòng máy bay này.
Cùng ngày, giới chức hàng không Liban cũng thông báo cấm toàn bộ máy bay Boeing 737 MAX hạ cánh ở thủ đô Beirut hay bay qua không phận nước này. Cơ quan hàng không Serbia cũng đưa ra quyết định tương tự khi cấm toàn bộ máy bay Boeing 737 MAX cất và hạ cánh tại các sân bay nước này.
Trong khi đó, Cục Hàng không Dân dụng (CAD) của Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) ngày 13/3 cũng ra quyết định tạm thời cấm máy bay Boeing 737 MAX đi vào không phận từ 18h00 (giờ địa phương, tức 17h00 theo giờ Việt Nam) cho đến khi có thông báo tiếp theo. Theo CAD, đây chỉ là biện pháp đề phòng nhằm đảm bảo an toàn hàng không và bảo vệ người dân. Cục cũng đã liên lạc chặt chẽ với Cơ quan Hàng không liên bang Mỹ (FAA) và các tổ chức liên quan trong đó có hai hãng hàng không là SpiceJet của Ấn Độ và Globus Airlines của Nga, vốn sử dụng máy bay Boeing 737 MAX bay qua không phận Hong Kong.
Cũng trong ngày 13/3, Cơ quan Hàng không dân dụng Thái Lan đã đình chỉ tạm thời việc sử dụng dòng máy bay Boeing 737 MAX 9 do quan ngại về vấn đề an toàn. Theo cơ quan trên, hãng hàng không Thái Lan Lion Air sẽ phải tạm dừng việc sử dụng các máy bay Boeing 737 Max 9 trong 7 ngày, từ ngày 14/3 và công tác điều tra các biện pháp an toàn sẽ tiếp tục được tiến hành. Lion Air có 3 máy bay Boeing MAX 9 trong đội bay của mình và hãng này không dùng máy bay Boeing MAX 8.
Tương tự, Cơ quan Hàng không dân dụng Ai Cập cũng cấm các máy bay Boeing MAX hạ cánh hoặc cất cánh trong lãnh thổ của mình.
Ngày 10/3, chiếc Boeing 737 MAX 8 mang số hiệu ET 302 của hãng hàng không Ethiopian Airlines, đang trên hành trình từ thủ đô Addis Ababa của Ethiopia đến thủ đô Nairobi của Kenya, đã bị rơi chỉ 6 phút sau khi cất cánh từ sân bay quốc tế Bole ở thủ đô Addis Ababa, khiến toàn bộ 149 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.
Đây là vụ tai nạn thảm khốc thứ hai trong vòng 5 tháng qua liên quan đến dòng máy bay này. Trong vụ tai nạn ngày 29/10/2018, máy bay 737 MAX của hãng hàng không Lion Air của Indonesia đã lao xuống biển khiến toàn bộ 189 người trên máy bay thiệt mạng. Mặc dù 1 trong 2 chiếc hộp đen đã được tìm thấy, song nguyên nhân tai nạn vẫn chưa thể xác định.