Hãng Reuters và kênh Aljazeera dẫn nguồn tin quân sự tại Liban cho hay vụ nổ súng đã khiến ít nhất 6 người thiệt mạng và 60 người khác bị thương. Sự việc xảy ra ở Ain el-Remmaneh khi những người biểu tình đang đi qua vùng giáp ranh giữa hai khu dân cư theo đạo Thiên chúa và Shi’ite, châm ngòi cho một cuộc đấu súng.
Truyền hình al-Manar của phong trào Hezbollah cho hay vụ tấn công nhắm vào những người biểu tình khi họ tiến đến trụ sở Bộ Tư pháp gần đó.
Theo Đài Sputnik, sau vụ đấu súng tại thủ đô Beirut cũng xảy hai vụ nổ lớn khác. Quân đội Liban đã được điều động đến hiện trường để ổn định tình hình cũng như điều tra đối tượng tấn công người biểu tình.
Quân đội Liban tuyên bố đang truy tìm đối tượng đã nổ súng vào đám đông biểu tình. Quân đội cũng đã được triển khai số lượng lớn tại thủ đô để đảm bảo trật tự trị an.
(Xem video đám đông chạy tìm nơi ẩn nấp sau khi xảy ra tấn công. Nguồn: Twitter)
Những căng thẳng chính trị liên quan đến công tác điều tra về vụ nổ cảng thảm khốc hồi tháng 8/2020 đang gia tăng với việc phong trào Hezbollah cáo buộc Thẩm phán Tarek Bitar không công tâm cũng như yêu cầu cách chức nhân vật này.
Vụ nổ năm ngoái đã khiến trên 200 người thiệt mạng, 6.500 người bị thương, tàn phá cơ sở hạ tầng rộng khắp Beirut. Vụ nổ ngày 4/8/2020 là một trong những vụ nổ phi hạt nhân lớn nhất từng được được ghi nhận, cũng là vụ việc gây hủy diệt nghiêm trọng nhất trong lịch sử đất nước Liban.
Video do các nhân chứng ghi lại khoảnh khắc vụ nổ xảy ra ngày 4/8/2020 (Nguồn: RT, Sky News)
Thảm họa xuất phát từ một kho lưu trữ 2.750 tấn amonium nitrate đã tồn tại từ lâu và được bảo quản rất kém tại cảng Beirut. Vụ nổ đã khiến cả thành phố rung chuyển và phá hủy nhiều tuyến phố di sản tại đây. Ước tính thiệt hại của vụ nổ này lên tới 15 tỷ USD.
Phiên họp nội các Liban ngày 12/10 đã khép lại bằng một cuộc tranh cãi gay gắt khi các bộ trưởng thân với phong trào Hezbollah và Amal đã ép buộc chính phủ ủng hộ yêu cầu của họ nhằm thay thế thẩm phán Bitar. Phiên họp tiếp theo vào ngày 13/10 đã bị hoãn lại, cho thấy các phe phái trong nội các Liban không đạt được thỏa thuận nào, với việc một số bộ trưởng cho rằng chính phủ không nên can thiệp vào các vấn đề tư pháp.
Các nhà lãnh đạo chính trị của Liban, bao gồm một số cựu thủ tướng, đã chỉ trích ông Bitar vì đã cố tình điều tra các quan chức cấp cao - những nhân vật chỉ có thể bị xét xử bởi một tòa án đặc biệt. Thẩm phán Tarek Bitar đã bị buộc phải đình chỉ cuộc điều tra của ông vào ngày 12/10, sau khi các cựu bộ trưởng mà ông từng triệu tập để thẩm vấn phục vụ công tác điều tra đã đệ đơn kiện ông. Tuy nhiên, trong sáng 14/10, một tòa án Liban đã bác bỏ các khiếu nại pháp lý nhằm vào ông Bitar, theo đó cho phép vị thẩm phán này tiếp tục điều tra về vụ nổ.