Trung sĩ Vadim giơ tay trái ra hiệu cho đồng đội dừng lại, tay phải của anh vẫn giữ chặt khẩu súng trường. Anh nói và chỉ tay về phía một vệt mờ phủ đầy lá: “Ở đây bạn có thể thấy rõ con đường của những kẻ khai thác vàng. Chúng đã ở đây ba hoặc bốn ngày trước, mang theo hàng hóa nặng.”
Trung sĩ Vadim là một quân nhân trong Binh đoàn Lê dương Pháp – đơn vị tinh nhuệ trực thuộc Lục quân Pháp - được giao nhiệm vụ tuần tra khu rừng nhiệt đới rậm rạp.
Sau khi khảo sát sâu, trung sĩ Vadim phát ra một tiếng huýt sáo ngắn. Chỉ vài giây sau, một tiếng huýt đáp lại từ một binh sĩ khác tác chiến tại một nơi nào đó sâu thẳm trong khu rừng này.
Tập kích trong cuộc bao vây gọng kìm, đơn vị hy vọng sẽ trừ khử được bất cứ tên tội phạm nào đang tìm cách phá rừng, cướp tài sản để làm giàu. "Mỗi quốc gia phải bảo vệ biên giới và ngăn chặn nạn buôn bán bất hợp pháp", đại úy Vianney, người chỉ huy cuộc tập kích, đồng thời là chỉ huy của trung sĩ Vadim cho biết.
Vianney nói: "Ở Guiana, chúng tôi có một kho báu độc nhất vô nhị, đó là những khu rừng rậm. Nhiệm vụ của chúng tôi chính là bảo vệ nó".
Bên dưới khu rừng nhiệt đới Amazon là cả một kho báu, có thể tìm thấy các mỏ vàng nằm sâu 15 mét dưới lòng đất. Trong nhiều thế kỷ, một số người đã bị khu rừng này cám dỗ với hy vọng tìm được sự may mắn từ các mỏ vàng. Nhưng chỉ hơn một thập kỷ trước, từ đợt kinh tế suy thoái năm 2008 khiến giá vàng tăng vọt, cơn sốt vàng bắt đầu lan trên khắp rừng rậm Amazon.
Kể từ đó, hoạt động khai thác vàng bất hợp pháp tràn lan đã phá hủy các khu rừng rậm từ Ecuador đến Peru, từ Venezuela đến Brazil. Tại Guinea, nơi có số dân chỉ trên dưới 300.000 người, ước tính có khoảng từ 8.000 đến 10.000 người khai thác bất hợp pháp.
Chuyên gia bảo tồn và Giám đốc Nhóm bảo tồn Amazon Dominick Plouvier giải thích vấn đề nằm ở việc sử dụng một hóa chất độc hại để khai thác vàng. Đó là thủy ngân.
“Thủy ngân được sử dụng trong quá trình khai thác vàng là một vấn đề lớn. Nó gây ô nhiễm các dòng sông, đầu độc cá, sau đó ngấm vào cơ thể người dân ăn cá”, ông Plouvier cho biết.
Thủy ngân là một chất cực độc đối với con người và không thể phân hủy. Các nhà nghiên cứu đã cho thủy ngân vào để tách vàng ra khỏi đất, đá và các vật liệu khác. Trong vài phút, vàng được kết đọng lại, thợ mỏ chỉ cần rửa sạch bụi bẩn. Mặc dù thủy ngân được đốt để tiêu hủy song vẫn bị rò rỉ ra môi trường.
Để chiết xuất mỗi gram vàng, cần ít nhất một gram thủy ngân. Sau đó, phần thủy ngân còn lại bị rửa trôi ra các nhánh sông Amazon khổng lồ, nhiễm vào cá và có trong các món ăn hàng ngày.
“Thủy ngân lan tỏa rất nhanh. Nó phá hủy hệ thần kinh, phổi, thận và não của chúng ta. Chúng tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp trẻ em bị đưa vào viện do nhiễm độc thủy ngân”, ông Plouvier giải thích.
Các nhà khoa học ước tính 1/3 lượng thủy ngân được tạo ra bởi hoạt động của con người là đến từ hoạt động khai thác vàng.
Tại biên giới Guiana và Brazil, công việc đào vàng chủ yếu được tiến hành bởi các “garimpeiros” – tiếng Bồ Đào Nha mô tả những người đào vàng bất hợp pháp. “Garimpeiros” chủ yếu là những người nghèo Brazil đến đây sinh sống trong rừng hàng tháng trời.
“Trở về nhà, họ chỉ kiếm được 800 Reai Brazil mỗi tháng (khoảng 4,6 triệu đồng) khi làm những công việc tay chân thông thường. Nhưng trong rừng, họ có thể kiếm được số tiền đó chỉ trong vài ngày”, Vianney giải thích.
Nhiệm vụ của đơn vị Binh đoàn Lê dương là tìm kiếm “garimpeiros” và triệt phá lều trại của họ.
Không có tín hiệu điện thoại di động do điều kiện trong rừng, “garimpeiros” để lại tin nhắn cho nhau bằng những dấu hiệu ẩn như dấu vết dao trên thân cây hoặc mũi tên màu đỏ trên bao thuốc lá Marlboro được đặt trên đất.
Hoạt động tại khu vực này đòi hỏi sự kiên trì vì nơi đây đầy rẫy những hiểm nguy và gian khổ. Trong lúc chờ đợi phục kích tại mê cung khắc nghiệt này, các binh sĩ phải đối mặt với hiểm nguy từ côn trùng độc, ếch, nhện, rắn, muỗi mang mầm bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, cũng như dịch zika…
Di chuyển 40km/ngày, đoàn bộ binh không chỉ thực hiện các nhiệm vụ mà họ còn phải dựng nơi trú ẩn. Cứ vài ngày, họ chờ đợi một máy bay trực thăng đến để giao thức ăn và nước sạch. Vào buổi tối, sau khi tắm trên sông, họ ngủ trên võng và phải dậy từ rất sớm vào sáng hôm sau.
Nhưng dù được trang bị tất cả vũ khí, hỗ trợ máy bay trực thăng, thuyền xăng và hệ thống theo dõi GPS, họ hiếm khi bắt được những kẻ đào vàng trái phép. Thường thì khi tìm ra, những kẻ này đều đã phát hiện và bỏ trốn.
Hoạt động trên một khu vực rộng bằng cả một quốc gia, đơn vị gồm 400 người này không thể có mặt ở mọi nơi cùng một lúc. Đối với chuyên gia bảo tồn Plouvier, cả “garimpeiros” và quân đội của chính phủ Pháp đều đang theo đuổi các giải pháp ngắn hạn. “Ngay khi quân đội rời đi, ‘garimpeiros’ trở lại. Khai thác vàng vẫn được coi là một kế sinh nhai quan trọng và chúng ta không thể chỉ nói ‘đừng làm điều đó’. Nhiều người dân địa phương cũng như người Brazil đang phụ thuộc vào phương thức kiếm tiền này. Nếu muốn ngăn chặn vấn nạn tàn phá rừng, cần đưa ra các giải pháp thay thế hợp pháp và bền vững”.