Phát biểu tại buổi họp báo ngày 18/7, Chủ tịch EC khẳng định ông "muốn làm Tổng thống Mỹ hiểu được" điểm mấu chốt trong vấn đề thương mại, điều mà trước đây ông chưa thuyết phục được nhà lãnh đạo này.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Khi được hỏi về nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm thúc đẩy các thỏa thuận song phương, người đứng đầu EC nhấn mạnh EU và thị trường đơn lẻ của liên minh này "không thể tách rời" và "mọi nỗ lực nhằm chia rẽ châu Âu đều vô ích".
Theo kế hoạch, Chủ tịch EC sẽ đến thăm Nhà Trắng ngày 25/7 tới nhằm thuyết phục Tổng thống Trump bãi bỏ việc áp thuế cao đối với các mặt hàng nhôm thép và từ bỏ ý định áp thuế bổ sung đối với mặt hàng ô tô.Ngoài ra, EC cho biết hai bên dự kiến tập trung cải thiện thương mại xuyên Đại Tây Dương và thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế mạnh mẽ hơn.
Chuyến thăm nêu trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và EU gia tăng sau khi Washington áp mức thuế cao lần lượt là 25% và 10% đối với các sản phẩm thép và nhôm của các nước EU xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Đầu tháng 7 này, Tổng thống Trump đe dọa áp thuế 20% đối với mọi ô tô lắp ráp tại EU. Đáp lại, EU đã gửi tới Bộ Thương mại Mỹ một tài liệu dài 10 trang, cảnh báo việc áp thuế này sẽ ảnh hưởng xấu đến ngành sản xuất ô tô của chính nước Mỹ và Washington có thể đối diện với nhiều biện pháp trả đũa từ các đối tác thương mại trị giá tới 294 tỷ USD.
Liên quan mối quan hệ thương mại Trung - Mỹ, Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 18/7 thông báo sẽ thực hiện thêm nhiều biện pháp để bù đắp những thiệt hại do Mục 232 của Luật thương mại Mỹ gây ra khi áp các mức thế cao đối với nhôm và thép nhập khẩu.
Tuyên bố trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ đệ đơn kiệnmột số đối tác thương mại lớn, trong đó có Trung Quốc, lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) liên quan những biện pháp đáp trả của những quốc gia này với các mức thuế mà Washington áp đặt với các hàng hóa và kim loại nhập khẩu.
Từ tháng 3 vừa qua, Tổng thống Mỹ đã quyết định áp thuế mới với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ nhiều nước như nhôm, thép, máy móc... cùng nhiều hàng hóa khác nhập từ Trung Quốc có tổng trị giá hàng tỷ USD nhằm gia tăng sức ép, buộc Bắc Kinh và các đối tác lâu năm phải điều chỉnh cán cân thương mại với Washington. Kể từ đó, các biện pháp "ăn miếng trả miếng" giữa Mỹ và các đối tác, đặc biệt là Trung Quốc, vẫn tiếp diễn bất chấp cảnh báo về sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu trước nguy cơ chiến tranh thương mại.