Nobel 2023: Những ứng cử viên được kỳ vọng cho giải thưởng Hóa học

Viện Thông tin Khoa học (ISI) thuộc công ty phân tích Clarivate - nơi theo sát các ứng cử viên Nobel tiềm năng trong lĩnh vực khoa học - đã đưa ra danh sách 8 cá nhân có tiềm năng nhận giải Nobel Hóa học 2023.

Kỹ sư sinh học James Collins thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ, nhà sinh vật học Michael Elowitz thuộc Viện công nghệ Caltech (Mỹ), cùng nhà vật lý học - sinh học lý thuyết và thực nghiệm Stanislas Leibler thuộc Đại học Princeton (Mỹ) được ISI đánh giá cao với "công trình nghiên cứu tiên phong về mạch gene tổng hợp". Theo ISI, báo cáo nghiên cứu của bộ 3 nhà khoa học này công bố trên tạp chí Nature ngày 20/1/2000 và được công nhận là nền móng cho lĩnh vực sinh học tổng hợp. Công trình này kết hợp các nguyên tắc kỹ thuật với sinh học để tạo ra các cấu trúc sinh học nhân tạo mới.

Trong khi các nghiên cứu của hai nhà khoa học Elowitz và Leibler đề cập tới một bộ dao động di truyền tổng hợp, thì nghiên cứu của kỹ sư James Collins (cùng hai cộng sự là Timothy Gardner, Charles Cantor) đề cập tới "công tắc chuyển đổi" di truyền tổng hợp ở vi khuẩn E.coli, cho thấy rằng việc mô hình hóa, thiết kế và xây dựng mạng lưới gene tổng hợp từ các thành phần phân tử sinh học là khả thi.

ISI cũng đánh giá cao hai nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Cambridge (Vương quốc Anh) "vì đã đồng phát minh ra phương pháp giải trình tự ADN thế hệ tiếp theo”. Cụ thể, nhà hóa học dược phẩm Shankar Balasubramanian và nhà hóa lý sinh học David Klenerman được công nhận đã làm nên cuộc cách mạng trong nghiên cứu sinh học. Họ đã đồng sáng lập công ty Solexa vào năm 1998, công ty này sau đó được công ty công nghệ sinh học Illumina mua lại vào năm 2007. Có tới 90% số các kết quả giải trình tự ADN và ARN trên thế giới hiện nay được thực hiện theo công nghệ giải trình tự thế hệ mới của Solexa–Illumina. 

Năm 2021, hai nhà khoa học Balasubramanian và Klenerman đã được Học viện Công nghệ Phần Lan trao tặng Giải thưởng Công nghệ Thiên niên kỷ cho phương pháp giải trình tự gene này. Trong năm sau đó, công trình này tiếp tục mang lại cho họ giải thưởng Đột phá về Khoa học đời sống.   

Những cái tên còn lại được ISI đánh giá có cơ hội giành giải Nobel Hóa học năm nay là nhà nghiên cứu Kazunori Kataoka thuộc Đại học Tokyo (Nhật Bản), nhà hóa sinh và dược học người Nga Vladimir Torchilin hiện làm việc tại Đại học Northeastern ở Mỹ và nhà hóa học polymer Karen Wooley thuộc Đại học Texas A&M (Mỹ). Họ được đánh giá cao về vai trò trong việc phát triển các phương pháp phát triển sinh phẩm tiên tiên, nhắm mục tiêu là các gene cụ thể trong cơ thể người bệnh.

Để lựa chọn những gương mặt tiềm năng, các chuyên gia ISI đã bắt đầu từ việc xem xét những nghiên cứu được trích dẫn nhiều trên tạp chí khoa học danh tiếng Web of Science, tập trung vào những nghiên cứu xuất bản cách đây 20-30 năm. Ngoài số lượng trích dẫn nêu trên, quá trình lựa chọn còn xem xét liệu tác giả nghiên cứu là người phát hiện chính hay chỉ là người mở rộng công trình của những người tiên phong (Hội đồng Nobel thường ưu tiên những người tiên phong). ISI cũng xem xét thành tựu sự nghiệp của các nhà khoa học, đồng thời đánh giá khả năng đoạt giải Nobel của họ dựa trên những lĩnh vực đã được giải thưởng này trao tặng.

Kể từ năm 2002 đến nay, các chuyên gia ISI đã dự đoán đúng 71 chủ nhân của giải Nobel, trong số đó có nhà nghiên cứu Jennifer Doudna và Emmanuelle Charpentier (năm 2020) và John Goodenough (năm 2019).

Giải Nobel Hóa học năm 2022 đã thuộc về 3 nhà khoa học Carolyn R. Bertozzi (Mỹ), Morten Meldal (Đan Mạch) và K. Barry Sharpless (Mỹ) với nghiên cứu phản ứng hóa học click và phản ứng hóa học sinh trực giao, được sử dụng trong phát triển dược phẩm và lập bản đồ ADN.

Xét về thành tích cá nhân, trong lịch sử giải Nobel mới chỉ có 4 nhà khoa học từng 2 lần đoạt giải Nobel. Đầu tiên phải kể đến nhà khoa học nữ Marie Curie (người Pháp gốc Ba Lan) nhận giải Nobel Vật lý năm 1903 và Nobel Hóa học năm 1911. Kế đến là nhà hóa học người Mỹ Linus Pauling được trao giải Nobel Hóa học năm 1954 và giải Nobel Hòa bình năm 1962, khiến ông trở thành người duy nhất được trao tới 2 lần trong lịch sử tồn tại giải Nobel mà không chia sẻ giải thưởng với người khác. Tiếp nối là kỹ sư điện người Mỹ John Bardeen, được trao giải Nobel Vật lý 2 lần trong các năm 1956 và 1972. Cuối cùng là nhà hóa sinh người Anh Frederick Sanger (1918-2013) từng được trao 2 giải Nobel Hóa học trong các năm 1958 và 1980, cũng là người duy nhất đạt được kỳ tích 2 lần nhận giải Nobel Hóa học.

Thanh Phương (TTXVN)
Đường đến Nobel 2023 của những ‘người hùng khoa học’
Đường đến Nobel 2023 của những ‘người hùng khoa học’

Những “người hùng khoa học” đã đóng góp to lớn cho các công trình nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực và câu chuyện về con đường giành giải Nobel đầy cảm hứng của họ là một trong những điều đáng chờ đợi tại Tuần lễ Nobel 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN