Ủy ban Nobel của Na Uy đã công bố giải thưởng trên và đánh giá cao việc Tổng thống Santos đã bền bỉ tham gia các cuộc đàm phán trong 4 năm qua giữa chính phủ Colombia và lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) cùng với sự hỗ trợ của các bên trung gian hòa giải để đi đến ký kết thỏa thuận hòa bình hôm 26/9 giữa hai bên. Cuộc xung đột vũ trang giữa FARC và chính phủ Colombia bắt đầu kể từ năm 1964 đã khiến 260.000 người thiệt mạng, 45.000 người mất tích và gần 7 triệu người mất nhà cửa.
Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos trong chiến dịch vận động tranh cử ở Rionegro ngày 8/6/2014. |
Tổng thống Colombia còn được ghi nhận vì đã tôn trọng ý kiến của người dân Colombia và thống nhất với FARC rằng “số phận” bản thỏa thuận hòa bình sẽ được quyết định bởi cuộc trưng cầu ý dân hôm 2/10. Mặc dù kết quả cuộc trưng cầu ý dân không phải là điều mà Tổng thống Santos ngờ tới khi phe lựa chọn “Không” đã giành phần thắng sít sao với cách biệt chỉ 0,43% so với lựa chọn “Có” nhưng ông vẫn không chùn bước trong công cuộc tìm kiếm hòa bình.
Ngày 5/10, Tổng thống Santos nhấn mạnh: “Hòa bình tại Colombia đang tới gần và chúng ta sẽ đạt được điều đó”. Vị tổng thống 65 tuổi cũng cam kết rằng ông sẽ tiếp tục đấu tranh vì hòa bình cho đến những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ.
Ủy ban Nobel của Na Uy nhận định kết quả trưng cầu ý dân hôm 2/10 không có nghĩa là tiến trình hòa bình tại Colombia đã đi đến hồi kết. Bà Kaci Kullmann Five, Chủ tịch Ủy ban, nêu rõ: “Điều quan trọng hơn là hai phía, với người đứng đầu là Tổng thống Santos và thủ lĩnh FARC Rodrigo Londono tiếp tục tuân thủ lệnh ngừng bắn”. Ủy ban Nobel của Na Uy cũng hy vọng rằng các bên sẽ cùng chia sẻ trách nhiệm và tham gia tích cực vào việc xây dựng các cuộc đối thoại dân tộc sắp tới.
Bà Kaci Kullmann Five bày tỏ tin tưởng rằng việc trao giải thưởng Nobel Hòa bình năm nay cho Tổng thống Santos sẽ khuyến khích tất cả các bên khác cũng đang nỗ lực vì hòa bình tại Colombia. Ngoài ra Ủy ban Nobel của Na Uy cũng mong rằng giải thưởng sẽ giúp Tổng thống Colombia có thêm sức mạnh để đạt thành công trong nhiệm vụ này.
Ủy ban Nobel của Na Uy cho biết sự hết mình của Tổng thống Santos để thúc đẩy hòa bình đã đáp ứng đầy đủ tiêu chí và nguyện vọng của “cha đẻ” giải Nobel-Alfred Nobel.
Năm nay có tổng cộng 376 ứng cử viên gồm 228 cá nhân và 148 tổ chức được đưa vào diện xét duyệt giải Nobel Hòa bình. Ủy ban Nobel của Na Uy gồm 5 thành viên được chỉ định bởi Quốc hội nước này. Các thành viên sẽ phục vụ nhiệm kỳ 6 năm. Giải thưởng Nobel Hòa bình năm nay có trị giá 8 triệu kronor Thụy Điển (khoảng 930.000 USD). Lễ trao giải thưởng sẽ được tổ chức tại Oslo (Na Uy) vào ngày 10/12.
"Bộ tứ” trung gian đối thoại hòa bình tại Tunisia là chủ nhân giải Nobel Hòa bình 2015 vì những nỗ lực của nhóm này trong việc kiến tạo hòa bình và dân chủ tại quốc gia Bắc Phi. “Bộ tứ” này bao gồm 4 tổ chức là Tổng Liên đoàn Lao động Tunisia (UGTT), Hiệp hội công nghiệp, thương mại và thủ công Tunisia (UTICA), Liên đoàn nhân quyền Tunisia (LTDH) và Nhóm luật sư Tunisia.