Loài rắn có phân tử đặc hiệu này là jararacussu, một trong những loại rắn lớn nhất ở Brazil, với chiều dài có thể lên đến 2m. Rắn jararacussu thường sống ở Rừng Đại Tây Dương và cũng xuất hiện ở Bolivia, Paraguay và Argentina.
Theo báo cáo khoa học được công bố trên Tạp chí Phân tử (Molecules) tháng 8/2021, phân tử có trong nọc độc của loài rắn jararacussu có thể ức chế tới 75% khả năng nhân lên của virus SARS-CoV-2 khi thí nghiệm trên khỉ.
Theo giáo sư Rafael Guido tại Đại học Sao Paulo và là tác giả đứng tên bài nghiên cứu, phân tử trong nọc rắn này là một peptide. Nó có thể kết nối với một loại enzyme của SARS-CoV-2 có tên là PLPro và enzyme này rất quan trọng đối với sự sinh sản của virus mà không làm tổn thương các tế bào khác. Được biết đến với đặc tính kháng khuẩn, phân tử nói trên cũng có thể được tổng hợp trong phòng thí nghiệm, nên không có lý do gì để con người phải săn lùng ráo riết loài rắn jararacussu.
Các nhà nghiên cứu sẽ tiếp tục đánh giá tính hiệu quả khi sử dụng liều lượng khác nhau của phân tử tìm thấy trong nọc độc rắn, làm rõ xem nó thực sự có thể giúp ngăn chặn virus xâm nhập vào tế bào ngay từ đầu hay không. Nhóm nghiên cứu đặt kỳ vọng sớm có thể tiến hành thử nghiệm lâm sàng với phân tử vừa được phát hiện trên người, nhưng không bố thời gian cụ thể.