Theo một bản ghi âm của Washington Post từ một cuộc họp riêng giữa ông Pompeo và các quan chức Israel, ông Pompeo thừa nhận kế hoạch trên có khả năng bị coi là "không thể thực hiện được" và bị bác bỏ. Nhận định trên cho thấy ngay cả những người ủng hộ cũng lo ngại rằng kế hoạch giải quyết cuộc xung đột Israel - Palestine mà Mỹ đề xuất sẽ vấp phải sự hoài nghi lớn.
Trong phản ứng của mình, cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thừa nhận rằng những nghi ngờ của Ngoại trưởng Pompeo về khả năng khó thực hiện thỏa thuận hòa bình Trung Đông "có thể đúng". Tuy nhiên, phát biểu với báo giới, ông chủ Nhà Trắng cũng cho rằng: "Nếu chúng ta có thể đạt được một kế hoạch hòa bình Trung Đông thì sẽ tốt".
Kế hoạch hòa bình Trung Đông được chính quyền Tổng thống Trump xây dựng trong hơn 2 năm qua dưới sự chủ trì của Cố vấn Nhà Trắng Jared Kushner và Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Trung Đông Jason Greenblatt. Kế hoạch gồm hai phần kinh tế và chính trị, nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine, song không nhắc tới giải pháp hai nhà nước. Dự kiến, sau khi hai ông Kushner và Greenblatt hoàn thành chuyến công du Trung Đông – Bắc Phi trong vai trò thuyết khách, Nhà Trắng sẽ phối hợp với Bahrain tổ chức hội nghị kinh tế mang tên “Từ hòa bình tới thịnh vượng” tại thủ đô Manama từ ngày 25-26/6 để công bố phần kinh tế của kế hoạch này.
Để đảm bảo thành công cho hội nghị cũng như tổng thể kế hoạch hòa bình Trung Đông, Mỹ đang cố gắng thuyết phục các nước Arab đứng về phía mình. Tuy nhiên, tại cuộc họp ngày 1/6 vừa qua, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đã ra tuyên bố nhấn mạnh không chấp nhận bất cứ đề xuất giải pháp hòa bình nào không bao gồm các quyền hợp pháp không thể chối cãi của người Palestine. OIC cũng lên án quyết định năm 2018 của Washington chuyển trụ sở Đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv đến Jerusalem và công nhận thành phố đang tranh chấp này là thủ đô của Israel. Trong khi đó, Quốc vương Salman bin Abdulahziz Al Saud của Saudi Arabia nhấn mạnh sự nghiệp của người dân Palestine tiêu biểu cho vấn đề cốt lõi đối với OIC, đồng thời nêu rõ Saudi Arabia "phản đối bất kỳ biện pháp nào động chạm tới vị trí hợp pháp và mang tính lịch sử của Đông Jerusalem".
Về phần mình, Nhà Vua Jordan Abdullah II - quốc gia giữ vai trò quan trọng trong các nỗ lực chính trị và ngoại giao của Mỹ hiện nay - đã tái khẳng định quan điểm ủng hộ giải pháp hai nhà nước trong việc giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Jordan chưa công bố có tham dự hội nghị kinh tế diễn ra tại Bahrain hay không. Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Qatar đã thông báo sẽ tham dự hội nghị, trong khi đó, Tổng thư ký Ủy ban điều hành Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) của Palestine, ông Saeb Erekat cho biết Nga và Trung Quốc sẽ không tham gia. Chính quyền Palestine đã tuyên bố bác bỏ kế hoạch này và tẩy chay hội nghị tại Bahrain vì cho rằng kế hoạch quá thiên vị cho Israel.