Theo đài Sputnik (Nga), bà Marta Stenevi, người phát ngôn Đảng Xanh của Thụy Điển, cho biết Stockholm nên cân nhắc từ bỏ gia nhập NATO, ngay cả khi Phần Lan quyết định trở thành thành viên của liên minh này.
Đảng Xanh, chiếm 16 ghế trong Quốc hội Thụy Điển gồm 349 thành viên, đã theo dõi chặt chẽ cuộc tranh luận của Phần Lan về tư cách thành viên NATO. Tuy nhiên, bà Stenevi cho biết quyết định của Helsinki sẽ không buộc đảng này từ bỏ lập trường với liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.
“Chúng tôi đang xem xét lập trường của Phần Lan trong các phân tích của mình. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, điều đó sẽ không ảnh hưởng đến lập trường tiêu cực của chúng tôi đối với NATO”, bà Stenevi nói và tuyên bố rằng Đảng Xanh phản đối Thụy Điển gia nhập NATO.
Trước đó, hôm 4/5, ông Tobias Baudin, Tổng thư ký của đảng cầm quyền Dân chủ Xã hội Thụy Điển, nói rằng đảng này có thể đưa ra quyết định có gia nhập NATO hay không sớm nhất là vào ngày 15/5. Tuy nhiên, theo các báo cáo, nội bộ đảng cũng chưa đạt được sự đồng thuận về vấn đề nêu trên. Một số thành viên đã kêu gọi Thuỵ Điển tiếp tục duy trì quy chế “không liên kết quân sự”.
Trong đó một số thành viên nổi bật, gồm Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Thụy Điển Annika Strandhall, đã phản đối Thuỵ Điển tham gia liên minh quân sự này.
Bà Strandhall nói rằng đảng cầm quyền Dân chủ Xã hội đã có lịch sử lâu dài và đấu tranh trong các vấn đề liên quan đến hòa bình, giải trừ quân bị và tự do quân sự. “Do đó, chúng tôi trong hội đồng liên bang quyết định vẫn tuân theo các quyết định của quốc hội rằng Thụy Điển nên phi liên kết quân sự và đứng ngoài NATO”, bà cho biết thêm.
Cuộc khủng hoảng Ukraine đã gây ra cuộc tranh luận rộng rãi ở cả Phần Lan và Thụy Điển về việc từ bỏ quy chế trung lập trong nhiều thập kỷ và gia nhập NATO khi tình hình an ninh châu Âu đang biến chuyển mạnh mẽ. Trong 2 tháng qua, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson và người đồng cấp Sanna Marin của Phần Lan đã tổ chức nhiều các cuộc thảo luận cấp cao, cả trong và ngoài nước, về các điều khoản và hậu quả của việc xin gia nhập NATO. Quyết định chính thức của hai quốc gia này dự kiến sẽ được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh của liên minh vào tháng 6 tại Madrid.
Thụy Điển gia nhập Liên minh châu Âu (EU) vào năm 1995 và đã tăng cường hợp tác với NATO, nhưng không trở thành thành viên chính thức của khối này. Quốc gia Bắc Âu này đã tránh tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào trong hơn 200 năm qua. Trước khi chiến sự tại Ukraine bùng nổ, lần gần nhất Thụy Điển gửi viện trợ vũ khí ra nước ngoài là trong cuộc chiến Phần Lan - Liên Xô năm 1939.
Trước khi phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin đã yêu cầu NATO ngừng mở rộng và rút quân khỏi khu vực gần biên giới Nga. Do đó, viễn cảnh các nước láng giềng Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sẽ khiến Nga phản ứng.
Nga cảnh báo châu Âu sẽ bất ổn nếu NATO tiếp tục mở rộng và kết nạp hai quốc gia trung lập Thụy Điển, Phần Lan. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố: “Chúng tôi từng nhiều lần khẳng định NATO là công cụ hướng tới đối đầu và việc mở rộng liên minh này sẽ không mang đến ổn định cho lục địa châu Âu”.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói liên minh sẽ đẩy nhanh các thủ tục nếu Thụy Điển và Phần Lan nộp đơn xin gia nhập. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cam kết Mỹ sẵn sàng đảm bảo an ninh cho hai quốc gia trong quá trình chờ xét duyệt.