Dự thảo ngân sách này đánh dấu lần đầu tiên sau 12 năm, Nhật Bản giảm chi tiêu do nguồn tài trợ liên quan đến COVID-19 bị hạn chế trong khi vẫn phải duy trì kỷ luật tài chính, tăng chi tiêu quốc phòng và an sinh xã hội ở mức kỷ lục.
Khoản ngân sách này thấp hơn khoảng 2.310 tỷ yen so với năm tài chính hiện tại, không bao gồm ngân sách bổ sung. Tuy nhiên, quy mô ngân sách vẫn ở mức cao so với các thời kỳ. Điều này phản ánh những khó khăn trong việc giảm chi tiêu xuống mức trước đại dịch như chính phủ dự kiến.
Năm tài chính 2024 là năm thứ 2 trong kế hoạch 5 năm của chính phủ (đến năm tài chính 2027) nhằm tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng lên tổng cộng 43.000 tỷ yen. Nhật Bản cũng đang tăng cường chi tiêu cho hỗ trợ chăm sóc trẻ em đồng thời giải quyết chi phí an sinh xã hội ngày càng tăng do dân số đang già đi nhanh chóng. Các chi phí liên quan đến an sinh xã hội cho lương hưu, chăm sóc y tế và điều dưỡng cho dân số già đang đạt mức kỷ lục khoảng 37.720 tỷ yen.
Doanh thu thuế được giả định ở mức kỷ lục 69.610 tỷ yen, ít thay đổi so với mức dự kiến tại thời điểm ngân sách bổ sung cho năm tài chính 2023, mặc dù có kế hoạch cắt giảm thuế 40.000 yên/người từ tháng 6/2024 để giúp chống lạm phát. Việc cắt giảm thuế đối với cá nhân sẽ khiến chính phủ mất một phần doanh thu, nhưng nguồn thu từ thuế doanh nghiệp dự kiến sẽ bù đắp do đồng yen yếu hơn và các yếu tố khác làm tăng thu nhập từ thuế.
Nhật Bản có kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ khoảng 34.950 tỷ yên để đáp ứng khoảng 30% nhu cầu chi tiêu cho năm tài chính 2024, gần như không thay đổi so với năm nay. Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) vẫn cam kết thực hiện chính sách lãi suất cực thấp nhưng đã cho phép lãi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm tăng lên cao hơn mức trần cố định 1% trước đây. Lợi suất cao hơn có nghĩa là các khoản thanh toán lãi và chi phí hoàn trả nợ của Nhật Bản tăng lên.
Khoảng 1/4 trong tổng số ngân sách, tương đương khoảng 27.000 tỷ yen, sẽ được sử dụng để trả nợ vì tình hình tài chính của Nhật Bản vẫn ở mức tồi tệ nhất trong số các quốc gia phát triển. Đây là chi phí trả nợ cao nhất từ trước đến nay, tăng từ 25.250 tỷ yen trong ngân sách tài chính ban đầu năm 2023.
Thủ tướng Fumio Kishida tin rằng cần ưu tiên thúc đẩy nền kinh tế hơn là phục hồi tài chính. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, chi tiêu tài chính đã gia tăng đáng kể. Chính phủ Nhật Bản đã công bố một loạt biện pháp hỗ trợ nhằm giảm nhẹ tác động khi hàng hóa hằng ngày như thực phẩm trở nên đắt đỏ hơn và chi phí nhiên liệu tăng cao.