Nỗi lo cạn nước tại Trung Đông

Chiếc phà từng đưa đón nhiều lượt du khách đến với các đảo nhỏ ở Hồ Urmia (Iran) nay nằm bất động, gỉ sét trên khu vực sắp trở thành một đồng bằng muối.

Chú thích ảnh
Một người nông dân trồng cà chua tại Jordan. Ảnh: CNN

Hai thập niên trước, Urmia vẫn là hồ lớn nhất ở Trung Đông và nền kinh tế địa phương phát triển mạnh nhờ du lịch với các khách sạn, nhà hàng.

Nhà báo Ahad Ahmed tại thị trấn Sharafkhaneh đã chia sẻ với kênh CNN (Mỹ) các bức ảnh về du khách vui thú tại hồ Urmia trong năm 1995 và nói: “Người dân thường đến đây để bơi và chữa bệnh bằng bùn. Họ thường ở đây ít nhất vài ngày”.

Nhưng hồ Urmia nhanh chóng mất đi sức hút khi giảm tới hơn một nửa diện tích, từ 5.400 km vuông trong thập niên 90 của thế kỷ trước xuống chỉ còn 2.500 km vuông ngày nay. Hiện có lo ngại rằng hồ Urmia sẽ biến mất hoàn toàn.

Đây là nỗi lo cũng xuất hiện ở nhiều địa điểm khác ở Trung Đông, nơi nước đang dần khan hiếm. Khu vực này trải qua những đợt hạn hán dai dẳng và nhiệt độ cao gây khó khăn cho cuộc sống con người. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu còn gây ảnh hưởng đến quản lý nước.

Dưới đây là hình ảnh về hồ Urmia (nguồn video: CNN):

 

Một số quốc gia Trung Đông như Iran, Iraq và Jordan đang bơm lượng lớn nước ngầm dành cho tưới tiêu. Ông Charles Iceland tại Viện Tài Nguyên Thế giới (WRI) cho biết những quốc gia này cũng đang tìm cách cải thiện năng lực tự cung tự cấp về thực phẩm nhưng lại đối mặt với tình trạng lượng mưa hàng năm giảm.

Ông nói: “Họ đang sử dụng nhiều hơn lượng nước thu được tự nhiên qua mưa. Và do đó, mực nước ngầm giảm xuống vì bạn khai thác nước ra nhanh hơn lượng được bổ sung từ mưa”. Ông Iceland cho biết: “Lượng mưa giảm và nhu cầu nước tăng cao tại những quốc gia này khiến nhiều sông, hồ và vùng đất ngập nước khô cạn”.

Hậu quả của việc nước khan hiếm hơn vô cùng nghiêm trọng: Các khu vực không còn phù hợp để sinh sống; căng thẳng về chia sẻ và quản lý tài nguyên nước như sông và hồ có thể trở nên tồi tệ hơn dẫn đến xung đột chính trị.

Ở Iran, hồ Urmia bị thu hẹp phần lớn bởi có quá nhiều người khai thác, và một số đập được xây dựng để tưới tiêu đã làm giảm lượng nước chảy vào hồ.

Theo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu, mùa Đông tại Trung Đông sẽ khô hơn và mùa Hè ẩm ướt hơn. Ông Mansour Almazroui tại Đại học King Abdulaziz ở Saudi Arabia nhận định: “Vấn đề là khi nhiệt độ tăng, nước mưa sẽ bốc hơi nhanh chóng”.

Ông Daniel Rosenfeld tại Đại học Hebrew (Israel) phân tích rằng Trung Đông cần giảm lượng nước sử dụng trong nông nghiệp. Điều này đồng nghĩa với thay đổi loại thực phẩm người nông dân trồng và xuất khẩu. Ông bổ sung: “Ví dụ tại Israel, chúng tôi trồng nhiều cam, nhưng sau đó chúng tôi nhận thấy mình đang xuất khẩu chính lượng nước khan hiếm”.

Ông Almazroui trong khi đó nhận định các đập nước có thể được cải thiện thích nghi với lượng mưa thay đổi và cần cải thiện hợp tác quản lý các con sông chảy qua nhiều quốc gia.

Hà Linh/Báo Tin tức
Công ty Thụy Điển sản xuất sản phẩm đột phá ‘sữa khoai tây’
Công ty Thụy Điển sản xuất sản phẩm đột phá ‘sữa khoai tây’

Một doanh nghiệp Thụy Điển đã ra mắt sản phẩm sữa thực vật mới đảm bảo không chứa những thành phần gây dị ứng phổ biến như lactose, gluten và các loại hạt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN