Phát biểu với báo giới, ông Trương Quân khẳng định dự thảo nghị quyết mà Trung Quốc và Nga trình HĐBA LHQ là nhằm giải quyết các mối quan ngại của Triều Tiên. Theo Đại sứ Trung Quốc, các biện pháp trừng phạt cũng là điều mà Triều Tiên quan ngại, và mối quan ngại này là "chính đáng". Ông nhấn mạnh: "Nếu muốn người ta làm điều gì đó thì cần xem xét những mối quan ngại của họ".
Khi được hỏi về thời điểm dự thảo nghị quyết này có thể được đưa ra bỏ phiếu tại HĐBA, ông Trương Quân cho biết: "Một khi chúng tôi cảm thấy chúng tôi có sự ủng hộ mạnh mẽ, chúng tôi sẽ có hành động tiếp theo".
Trước đó, ngày 16/12, Nga và Trung Quốc đã trình một dự thảo nghị quyết lên HĐBA LHQ, trong đó đề xuất đưa ra khỏi danh sách trừng phạt của LHQ các dự án hợp tác đường bộ và đường sắt liên Triều, xuất khẩu thủy sản và dệt may của Triều Tiên, để khuyến khích đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên. Dự thảo nghị quyết cũng hoan nghênh việc duy trì đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng ở mọi cấp, hướng tới thiết lập quan hệ mới giữa hai nước, xây dựng lòng tin lẫn nhau và nỗ lực chung trong việc kiến tạo một nền hòa bình ổn định và lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó, dự thảo kêu gọi nhanh chóng nối lại đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Các nhà ngoại giao HĐBA LHQ sau đó cùng ngày đã nhóm họp để thảo luận dự thảo này. Để được thông qua tại HĐBA LHQ, một nghị quyết cần nhận được ít nhất 9 phiếu ủng hộ và không có phiếu chống nào của các thành viên thường trực gồm Mỹ, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc.
Tuy nhiên, ngày 17/12, cố vấn cấp cao của Tổng thống Mỹ Donald Trump, bà Kellyanne Conway, tuyên bố Washington sẽ không nới lỏng trừng phạt Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng không tiến hành phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng. Mặc dù không bình luận trực tiếp về dự thảo nghị quyết do Trung Quốc và Nga trình HĐBA, song bà Conway khẳng định lập trường của Mỹ đối với các lệnh trừng phạt không thay đổi.
Dự kiến, Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun sẽ đến Trung Quốc ngày 19/12 sau khi thăm Hàn Quốc trong chuyến công du thúc đẩy giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh đàm phán hạt nhân Mỹ- Triều rơi vào bế tắc. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un yêu cầu trước khi hết năm nay Mỹ phải đưa ra được một đề xuất có thể chấp nhận được để thúc đẩy đàm phán, nếu không Triều Tiên sẽ chọn "một con đường khác". Trong khi đó, Đặc phái viên Mỹ Stephen Biegun ngày 16/12 khẳng định Washington vẫn để ngỏ cánh cửa cho các cuộc đàm phán mới với Bình Nhưỡng.