Nỗi niềm Tết xa quê của người Việt tại Ai Cập

Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, dù làm bất cứ việc gì và ở bất cứ đâu, từ sâu thẳm trong tâm hồn, người Việt luôn mong được về sum họp, đoàn tụ cùng gia đình và tưởng nhớ tới công đức của tổ tiên, ông bà. Tuy nhiên, do không có điều kiện, nhiều người buộc phải ở lại đón Tết nơi đất khách quê người. Nỗi nhớ quê hương, gia đình dường như tăng thêm gấp bội đối với cộng đồng người Việt nhỏ bé tại Ai Cập vốn chỉ vẻn vẹn khoảng 60 thành viên.

 Đối với chị Hoàng Thị Bích Liên, một người gốc ngoại thành Hà Nội, Tết năm nay đánh dấu đúng 13 năm chị theo chồng sang Ai Cập lập nghiệp và 18 năm xa quê. Dù đang sống giữa một gia đình gồm 6 người con và người chồng hết mực yêu thương, năm nào cũng vậy, Tết đến, lòng chị cứ rạo rực, đau đáu hướng về quê nhà, về bố mẹ già và về những người anh em ruột thịt của mình. Những ngày Tết, chị thường say sưa hàng giờ kể về phong tục gói bánh chưng, bánh dày, muối dưa hành, treo câu đối đỏ, trồng cây nêu, đi chơi chúc Tết anh em, họ hàng, chòm xóm... để chồng và các con hiểu biết về quê vợ, quê mẹ, đặc biệt là Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Chị cũng xoay xở đủ mọi cách để kiếm đủ các nguyên vật liệu cần thiết và cùng vào bếp truyền dạy các kỹ năng "nữ công gia chánh" như làm nem, gói giò gà, đồ xôi... cho cô con gái nhỏ đang học lớp 8.


Chị Liên cùng chồng và bé Sarah


Đối với 11 sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ thuộc ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP Hồ Chí Minh đang theo học tại Đại học Cairo, cảm xúc lại đan xen khi lần đầu tiên được đón Tết xa nhà ở xứ sở các Kim Tự Tháp. Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Cairo, bạn Kiều Thị Xuân Quỳnh cho biết cảm xúc đầu tiên của các sinh viên phải đón Tết xa quê là nỗi nhớ nhà đến nao lòng và nhớ bầu không khí đoàn tụ đầm ấm, đông vui tại Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh đó, em và các bạn lại rất hào hứng đón chờ Tết Ất Mùi cùng với những người bạn mới cùng trường, cùng lớp như một trải nghiệm mới của bản thân. 

Chị Nguyễn Thị Hiền Linh, giáo viên tiếng Pháp của trường École des Carmélites tại Cairo, lại thấy an ủi đôi phần khi được kết nối với cộng đồng người Việt tại Ai Cập sau hơn 5 tháng đặt chân tới quốc gia Bắc Phi xa xôi này. Trước đó, càng gần đến ngày Tết, chị nhớ nhà đến phát khóc và cảm thấy cô đơn như "sống giữa ốc đảo trong sa mạc" khi phải thân gái một mình, không bạn bè, không người thân. Tuy nhiên, sau khi liên lạc được với Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập và được biết kế hoạch tổ chức Tết cộng đồng, chị rất vui vì gặp được nhiều người và được đón cái Tết trong không khí ấm cúng, gần gũi như ở châu Âu trước đây. 

Chị Hà Thị Ngọc Hà


Hạnh phúc nhất có lẽ là chị Hà Thị Ngọc Hà, cựu Đại sứ Việt Nam tại Chi Lê, khi lần đầu tiên được đón cái Tết đoàn tụ với chồng sau nhiều năm xa cách. Đây là lần thứ tư chị Hà ăn Tết xa nhà, trong đó có một Tết tại Peru, hai Tết tại Chi Lê và Tết này ở Ai Cập. Tuy nhiên, Tết tại Ai Cập có hương vị và không khí "khác hẳn" với hoa đào, bánh chưng xanh, giò chả và thời tiết se lạnh như ở Hà Nội. Tết Ai Cập cũng "đông vui" hơn so với hai cái Tết trước tại Nam Mỹ - nơi chỉ có 5-6 cán bộ nhân viên độc thân của Đại sứ quán cùng hai Việt kiều. 

Tuy nhiên, niềm vui của chị Ngọc Hà vẫn chưa được trọn vẹn. Dù năm nay được ăn Tết cùng chồng, song cả gia đình vẫn chưa được sum họp đông đủ khi hai người con thì một ở Mỹ, một ở châu Âu, còn ông cụ 97 tuổi vẫn đang ở TP Hồ Chí Minh. Do vậy, cũng như 60 thành viên khác trong cộng đồng người Việt tại Ai Cập, chị vẫn luôn khắc khoải nỗi nhớ quê hương, nhớ hương vị và không khí Tết gia đình ở quê nhà và mong ước sớm được đón những cái Tết đoàn viên trọn vẹn ở Việt Nam.


Hữu Chiến (P/v TTXVN tại Cairo)

Xúc động cô dâu Việt xứ Hàn về thăm quê
Xúc động cô dâu Việt xứ Hàn về thăm quê

Những cô dâu Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc đều có mong muốn được về quê hương thăm cha mẹ, thăm người thân, nhưng nhiều gia đình còn khó khăn, không có điều kiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN