Ngày 28/9, chính phủ Ấn Độ đã dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng không phải giống Basmati, hơn một năm sau khi lệnh có hiệu lực, trong bối cảnh sản lượng vụ mùa lớn hơn vào năm 2024 sẽ củng cố kho dự trữ của nhà nước cho nhu cầu nội địa.
Trước đó một ngày, Pakistan đã bãi bỏ giá xuất khẩu tối thiểu (MEP) cho tất cả các loại gạo. Pakistan đã áp dụng MEP từ năm 2023, ở mức 1.300 USD/tấn đối với gạo Basmati và 550 USD/tấn đối với gạo không phải Basmati.
Ấn Độ và Pakistan là 2 quốc gia duy nhất sản xuất gạo Basmati, còn được gọi là “hạt ngọc thơm”, vì hương vị và mùi thơm độc đáo của nó.
Bộ trưởng thương mại Jam Kamal Khan đánh giá động thái này có thể thúc đẩy xuất khẩu gạo của Pakistan, với kỳ vọng thu 5 tỷ USD trong năm tài khóa này. Tuy nhiên, điều đó sẽ không dễ dàng, bởi các nhà phân tích chỉ ra rằng gạo Pakistan sẽ một lần nữa phải đối mặt với đối thủ cạnh tranh Ấn Độ.
Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, chiếm gần 40% thương mại gạo toàn cầu và nắm giữ 65% thị phần gạo Basmati. Pakistan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ tư sau Thái Lan và Việt Nam, nắm giữ 35% thị phần còn lại của gạo Basmati.
Trong tài khóa 2022-23, Ấn Độ đã thu được hơn 11 tỷ USD từ xuất khẩu gạo, trong đó riêng gạo Basmati đã tạo ra hơn 4,7 tỷ USD. Nhưng vào tháng 7/2023, lạm phát cao, giá lương thực tăng và lo ngại về thiếu hụt sản lượng do hiện tượng El Nino khiến chính phủ Ấn Độ phải áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo không phải giống Basmati. Một tháng sau, Ấn Độ cũng áp dụng lệnh hạn chế xuất khẩu gạo Basmati.
Pakistan đã được hưởng lợi từ diễn biến này. Khi gạo Ấn Độ trở nên khan hiếm, Pakistan nổi lên như một trong những nhà cung cấp gạo thay thế cho nhiều quốc gia, bao gồm cả các quốc gia ở vùng Vịnh, châu Phi và Đông Nam Á. Từ tháng 7/2023 đến tháng 6/2024, Pakistan đã tăng hơn 60% về khối lượng xuất khẩu gạo, thu về gần 3,9 tỷ USD từ việc xuất khẩu gần sáu triệu tấn gạo, bao gồm khoảng 750.000 tấn gạo Basmati.
Phó chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Pakistan (REAP) – ông Haseeb Khan, ca ngợi quyết định dỡ bỏ MEP của chính phủ, cho biết điều này sẽ giúp các nhà xuất khẩu Pakistan tăng cường hiện diện tại các thị trường mới.
Ông Khan thừa nhận rằng các nhà xuất khẩu Pakistan sẽ phải đối mặt với cạnh tranh từ đối thủ Ấn Độ, nhưng ông tin tưởng thách thức này có thể được bù đắp bằng mức xuất khẩu bền vững.
Các chuyên gia dự báo sản lượng gạo Pakistan sẽ tăng lên hơn 10 triệu tấn trong năm nay, có khả năng dẫn đến lượng xuất khẩu gia tăng. Trong khi đó, ở thị trường nội địa, người Pakistan chủ yếu tiêu thụ lúa mì – hơn 120 kg mỗi người mỗi năm, một trong những mức cao nhất thế giới. Mức tiêu thụ gạo thấp hơn nhiều, dưới 20 kg mỗi người mỗi năm. Ngược lại, hầu hết các vùng của Ấn Độ tiêu thụ gạo nhiều hơn lúa mì.
Trong khi các nhà xuất khẩu Pakistan đang ăn mừng việc xóa bỏ giá sàn, thì những người nông dân địa phương lại không mấy vui vẻ. Ông Mehmood Nawaz Shah, chủ tịch của Sindh Abadgar Board, một tổ chức nông dân ở tỉnh Sindh lập luận rằng việc xóa bỏ MEP sẽ gây bất lợi cho người nông dân.
“Các nhà xuất khẩu sẽ được hưởng lợi, nhưng đối với người nông dân chúng tôi, điều này có thể dẫn đến giá thấp hơn và doanh thu giảm”, ông chia sẻ với Al Jazeera.