Theo Al Jazeera, hai công ty dược lớn ở Anh và đối tác đang khẩn trương phát triển vaccine mới để đối phó với các biến chủng mới xuất hiện của virus SARS-CoV-2.
Tập đoàn GlaxoSmithKline (GSK) của Anh và CureVac của Đức thông báo thỏa thuận hợp tác mới trị giá 180 triệu USD để cùng sản xuất thế hệ tiếp theo của vaccine theo công nghệ mRNA. Mục đích của họ là xử lý nhiều loại biến thể mới trong cùng một loại vaccine COVID-19.
Vaccine mới của GSK sẽ dựa trên loại vaccine COVID-19 thế hệ đầu tiên của CureVac. Loại vaccine này đang trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối.
Hai công ty nói trong một tuyên bố: “Ngày càng có thêm biến chủng có khả năng giảm hiệu quả vaccine COVID-19 thế hệ đầu tiên và điều này đòi hỏi tăng cường nỗ lực phát triển vaccine chống các biến chủng mới nhằm đi trước đại dịch một bước. Vaccine COVID-19 thế hệ mới có thể được sử dụng để bảo vệ người chưa được tiêm trước đó hoặc để làm mũi tiêm tăng cường trong trường hợp miễn dịch từ lần tiêm đầu tiên đã giảm theo thời gian”.
Hai công ty cho biết sẽ bắt đầu công việc phát triển vaccine ngay lập tức nhằm đưa ra thị trường vaccine mới vào năm tới để được cấp phép.
GSK cũng sẽ hỗ trợ quá trình sản xuất vaccine COVID-19 thế hệ đầu của CureVac.
Trong khi đó, tập đoàn AstraZeneca và Đại học Oxford thông báo đang phát triển vaccine thế hệ tiếp theo mà họ hy vọng sẽ hoàn thành vào mùa thu này.
Giám đốc nghiên cứu của AstraZeneca, ông Mene Pangolas cho biết: “Chúng tôi rất muốn cố gắng và có vaccine sẵn sàng vào mùa thu năm nay”. Ông nói thêm rằng thời gian này đã bao gồm các thử nghiệm lâm sàng để thử vaccine mới.
Ông Andrew Pollard, Giám đốc Tập đoàn Vaccine Oxford, cho biết AstraZeneca và Đại học Oxford tự tin rằng loại vaccine mới sẽ chống được biến chủng lần đầu được phát hiện tại Anh và đang lan ra nhiều nơi.
Công ty dược Mỹ Moderna cho biết vaccine COVID-19 sử dụng công nghệ mRNA của họ bảo vệ được cơ thể người trước hai biến chủng và đang sản xuất mũi tăng cường để xử lý biến chủng Nam Phi.
Về phần mình, tập đoàn dược Mỹ Pfizer và đối tác Đức BioNTech có vaccine COVID-19 được cấp phép khắp thế giới cũng cho biết đang phát triển vaccine mới để đối phó với các biến chủng mới.
Cuộc đua vaccine thế hệ mới diễn ra khi ngày càng có nhiều lo ngại về các biến thể mới có khả năng lây lan mạnh hơn và làm vaccine hiện nay kém hiệu quả.
Đang có 4 biến chủng của SARS-CoV-2 trên thế giới. Biến chủng tại Anh có tên là 20I/501Y.V1, VOC 202012/01 hoặc B.1.1.7. Biến thể này đã có mặt tại trên 70 quốc gia.
Biến chủng của virus SARS-CoV-2 tại Nam Phi đã lây lan ra hơn 30 quốc gia. B.1.351 có thể thay đổi cấu trúc protein gai nhiều hơn B.1.1.7.
Biến chủng ở Brazil P.1 có thể tăng nguy cơ lây nhiễm hoặc khả năng bệnh nhân COVID-19 sau khi khỏi vẫn tái nhiễm virus SARS-CoV-2.
Biến thể mới L425R được phát hiện tại California và một số bang khác của Mỹ. Hiện chưa rõ biến thể này có lây lan mạnh hơn virus SARS-CoV-2 hay không.
Hãng thông tấn AP dẫn lời tiến sĩ Mary Petrone chuyên nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Yale (Mỹ) đánh giá không phải tất cả các biến thể đều được hình thành giống nhau. Việc giám sát các biến thể virus là vô cùng quan trọng bởi nguy cơ chúng có thể giảm hiệu quả của việc điều trị và vaccine, thậm chí thay đổi cách lây nhiễm.
Tính đến nay, các dữ liệu cho thấy các vaccine hiện hành vẫn có thể phòng được biến thể của virus SARS-CoV-2. Tiến sĩ Anthony Fauci – người được bổ nhiệm là trưởng cố vấn y tế của Tổng thống Mỹ Joe Biden - nêu rõ có nhiều biện pháp điều chỉnh cách điều trị và vaccine để duy trì hiệu quả trong việc phòng chống COVID-19.
Các chuyên gia vẫn tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang và giãn cách xã hội. Ông Daniel Jones tại Đại học Ohio (Mỹ) phân tích: “Càng ít người nhiễm SARS-CoV-2 thì khả năng có biến thể càng giảm”.