Ông Markus Chin chia sẻ với Al Jazeera: “Chúng tôi muốn được đặt tay vào máy móc tự động như robot thu hoạch, giúp giảm chi phí lao động, hoặc thiết bị về thời tiết có thể dự đoán thời điểm thích hợp để trồng, bón phân và tưới tiêu”.
Ngoài ra, ông Markus Chin còn ao ước máy phun thuốc trừ sâu có trí thông minh nhân tạo. Nhưng ông Markus Chin đánh giá: “Tất cả những thứ này hiện nay đều quá đắt đỏ”.
Tại nhiều quốc gia Đông Nam Á, những nông dân như ông Markus Chin đang chờ đợi công nghệ nông nghiệp có giá thành hợp lý, họ cũng chờ đợi sự giúp đỡ để mua được công nghệ này.
Các công nghệ như cảm biến thông minh thu thập dữ liệu về đất và mùa màng hoặc máy bay không người lái cung cấp hình ảnh về điều kiện của các cánh đồng được cho sẽ góp phần gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhưng giá thành của các phương tiện này không hề rẻ, với một số máy bay không người lái thậm chí có giá hơn 1.000 USD mỗi chiếc. Đây là mức giá “quá tải” với các nông trang cỡ trung bình ở Đông Nam Á.
Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp cũng lắng nghe mong ước của người nông dân. Một lượng nhỏ nhưng đang không ngừng gia tăng các công ty công nghệ châu Á, chuyên về phần cứng và công nghệ tài chính, đang đi sâu vào thị trường các sản phẩm cải tiến phù hợp với nhu cầu của người nông dân trong khu vực.
Các chuyên gia trong khi đó đánh giá nhu cầu về công nghệ nông nghiệp là cấp thiết đối với khu vực Đông Nam Á. Aljazeera cho biết công nghệ mới sẽ hỗ trợ tăng thu hoạch, giảm ảnh hưởng tới môi trường, tăng giá trị dinh dưỡng cho thực phẩm… Châu Á là khu vực đô thị hóa nhanh nhất thế giới, đến năm 2030, nơi đây sẽ chiếm 65% dân số tầng lớp trung lưu của thế giới.
Những năm gần đây còn xuất hiện làn sóng các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á ra mắt nhiều sản phẩm công nghệ nông nghiệp.
Những công nghệ này đa dạng từ phần cứng như ứng dụng Tun Yat (Myanmar) tạo điều kiện để người nông dân thuê thiết bị máy móc cho đến AgromeIQ (Brunei) là phần mềm để người nông dân tiếp cận với kinh doanh thông minh.
Về chi phí, những nền tảng cho vay như Cropital (Philippines) và CrowdE (Indonesia) đang tạo điều kiện để người nông dân được hỗ trợ.